Ukraine: Thị trường tiềm năng của nông lâm thủy sản VN
(vov) Đến nay, Việt Nam và Ukraine đã ký hơn 20 hiệp định hợp tác kinh tế-thương mại trên nhiều lĩnh vực quan trọng như vận tải biển, vận chuyển hàng không... Nhờ đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine đã tăng lên đáng kể. Hiện kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ukraine chủ yếu là là hải sản, dệt may, giày dép, mũ, thủ công mỹ nghệ...
Tính đến đầu năm nay, vốn đầu tư của Ukraine vào Việt Nam gần 400 triệu USD, hết năm nay con số này có thể sẽ lên tới 600 triệu USD. Hiện, Ukraine có 12 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27 triệu USD, đứng thứ 60 trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Ông Oleksiy Shovkoplias, Đại sứ Ukraine tại Việt Nam cho biết: “Dù thực tế hiện nay Ukraine và Việt Nam có khoảng cách địa lý cách xa nhau, nhưng với doanh nghiệp Ukraine, Việt Nam vẫn là đối tác ổn định, tin cậy. Năm 2012 doanh thu chung về hàng hóa và dịch vụ của hai nước đạt 456 triệu USD, 2011 là 324,5 triệu USD, tăng hơn 131,5 triệu USD, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 320 triệu USD, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 324 triệu USD, tăng 50%”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ tại nhiều thị trường ở Châu Âu đang giảm sút, Ukraine có thể xem là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, để chinh phục thành công thị trường này vẫn còn nhiều rào cản như: địa lý, sự khác biệt về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ và khó khăn trong thủ tục cấp visa, thiếu thông tin thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Tiếp, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Ukraine khuyến nghị: “Cơ hội cho Việt Nam và Ukraine rất lớn, vì thị trường Ukraine có tiềm năng lớn cả về công nghiệp và nông nghiệp. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần xuất khẩu các mặt hàng về nông, thủy sản. Đó là một điểm rất lớn mà khả năng tiêu thụ của Ukraine rất cao. Nông, lâm, thủy sản là mặt hàng Việt Nam cần lưu ý và nên xuất khẩu, vì Ukraine đang rất cần những mặt hàng này”.
Ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho rằng, hiện Việt Nam vẫn chưa chiếm được vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Ukraine. Lý do là các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ, chưa hiểu rõ về nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, thiếu thông tin về hệ thống pháp luật… Bên cạnh đó, Ukraine vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách giao thương, đặc biệt là thủ tục cấp Visa vào Ukraine; Giữa Việt Nam và Ukraine chưa có hệ thống thanh toán quốc tế thuận lợi cho các doanh nghiệp....
Ông Dương Hoàng Minh khuyến cáo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: “Để xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp phải chủ động, tìm hiểu thông tin qua cơ quan đại diện thương mại tại Việt Nam. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin qua Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại Liên bang Nga, hỏi thông tin qua các wesite của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga. Qua những thông tin đó, doanh nghiệp có thể tìm được đối tác phù hợp với ngành hàng của mình, sau đó lựa chọn, gửi thư chào hàng và tiến hành giao dịch”.
Các doanh nghiệp Việt Nam rất mong chờ những vướng mắc trong các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước được ngành chức năng giải quyết, nhằm tăng cường việc trao đổi thương mại, mở rộng đường cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào một thị trường đầy tiềm năng như Ukraine.
Chung Thủy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao