Ứng phó với chủng virus cúm mới?
Thông tin về dịch cúm gia cầm đang bùng phát cùng những bệnh cúm có khả năng lây sang người đang khiến mọi người quan tâm, lo lắng, đặc biệt là trước những thông tin về sự xuất hiện của chủng virus cúm mùa H3N2. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Lo ngại khả năng một dịch cúm mới
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết ngày 20/11/2011, Tổ chức Kiểm soát và Phòng, chống bệnh tật (CDC) Mỹ xác nhận thêm ba trẻ tại Iowa nhiễm một biến chủng virus cúm A (H3N2) mới có nguồn gốc từ heo.
CDC cho biết tính từ tháng 8/2011 đã ghi nhận 12 ca rải rác tại Mỹ, tất cả các trường hợp đều có biển hiện của một hội chứng cúm nhẹ bao gồm sốt, ho, chảy mũi, đau nhức cơ. Chỉ có ba ca thở nhanh cần nhập viện còn lại đều được điều trị ngoại trú và hồi phục hoàn toàn dù không được điều trị với thuốc đặc trị.
CDC đã giải mã gen các mẫu bệnh phẩm thì phát hiện ra đây là một biến chủng mới, có sự tái tổ hợp di truyền giữa virus H3N2 đang lưu hành trên heo ở Mỹ với gen M của chủng virus H1N1 gây đại dịch năm 2009. Do đó các nhà virus học gọi tên là S-OtrH3N2 (swine-origin triple reassortant H3N2 - chủng tái tổ hợp ba nguồn gốc từ heo).
Tuy nhiên, qua theo dõi và giám sát, các chuyên gia kết luận biến chủng mới này chỉ có thể gây ra các ca bệnh lẻ tẻ cho người do tiếp xúc với heo bệnh, khả năng lây từ người sang người còn rất hạn chế nhưng vẫn làm cho giới chuyên môn lo ngại về sự xuất hiện một đại dịch cúm mới.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, cho biết thêm, chủng virus cúm mùa H3N2 vừa phân lập được từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là chủng cúm A/H3N2, có khả năng có biến đổi so với các năm trước.
Theo TS Châu, khi liên tục xảy ra trường hợp các biến chủng virus cúm từ động vật H5N1, H3N2 gây bệnh cho người, chủng virus “mới” dễ dàng thoát khỏi sự nhận biết của hệ miễn dịch, lại có khả năng lây người - người nên sẽ gây đại dịch và có nguy cơ tử vong cao cho cộng đồng dân cư chưa có sức đề kháng.
Lịch sử về bệnh cúm cho đến nay đã chứng minh mỗi trận đại dịch đều do một biến chủng virus “mới” có nguồn gốc từ động vật xuất hiện.
Virus cúm thay đổi hằng năm
TS Trần Tịnh Hiền, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng-ĐH Oxford (OUCRU - Oxford University Clinical Research Unit Viet Nam), cho biết cách đây ba ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định hoãn công bố hai nghiên cứu về cúm H5N1 của Mỹ và Hà Lan.
Hai nghiên cứu trên con chồn hương cho thấy virus cúm H5N1 biến đổi và lây từ con chồn này sang con con chồn khác. Các chuyên gia cho rằng nếu nó đã lây từ chồn sang chồn (chồn có nhiều tính tương đồng với người) thì khả năng cúm có thể lây từ người sang người.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Mỹ cũng lo ngại nếu một ai đó biết được kỹ thuật này sẽ làm nên một cuộc khủng bố sinh học nên họ quyết định không công bố hết nghiên cứu.
Theo TS Hiền, virus cúm thay đổi hằng năm chứ không riêng gì cúm H5N1 nhưng nó chỉ thay đổi nhỏ, ít, chủng cúm này khác chủng cúm khác nên phải tiêm vaccine ngừa cúm mới mỗi năm. Ngoài chúng ta, những nước hiện đang còn cúm là Indonesia, Campuchia, Ai Cập… nhưng số lượng ít, mỗi năm chỉ lẻ tẻ vài ca.
Hiện quan điểm của WHO là giám sát cúm H5N1 cho đến khi nào nó có thể lây từ người sang người để có ứng phó kịp thời vì nếu xảy ra sẽ chết rất nhiều.
Phòng bệnh cho vật nuôi để phòng bệnh cho người
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, để hạn chế ca bệnh trên người do nhiễm các virus cúm có nguồn gốc từ động vật (heo, chim, gà…), không được giết, mổ gia cầm, heo bệnh, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm, thịt heo chưa được chế biến kỹ. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, heo phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Theo TS Siêu, không có bệnh cúm trên gia cầm, trên heo sẽ không có bệnh trên người. Do đó phải thực hiện tiêm phòng vaccine hiệu quả cho gia cầm, heo; xử lý triệt các ổ dịch. Ngăn phòng đường lây sang người bằng việc thực hiện biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, dây chuyền chế biến thực phẩm sạch trong tiêu dùng.
Hướng dẫn về tiêm ngừa cúm Tất cả trẻ từ sáu tháng tuổi đến 18 tuổi, người từ 50 tuổi trở lên, phụ nữ dự định mang thai, người có bệnh tim, phổi, thận, gan, suyễn, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, thiếu máu và các rối loạn về máu khác, người nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc những bệnh có ảnh hưởng lên hệ miễn dịch, người chăm sóc hoặc có tiếp xúc trong gia đình với trẻ 0-5 tuổi, người từ 50 tuổi trở lên, những người bệnh có nguy cơ cao mắc cúm bị biến chứng nặng. Hiện có hai loại vaccine ngừa cúm, một loại dùng bằng đường tiêm bắp, một dùng theo đường xịt vào mũi. Ở nước ta hầu hết đều sử dụng loại vaccine cúm tiêm bắp. Vì virus cúm luôn thay đổi nên vaccine cúm sẽ thay đổi mỗi năm. Vaccine tác dụng bảo vệ khoảng hai tuần sau khi tiêm và kéo dài trong một năm (hiệu quả đạt hơn 90%). Nên chích ngừa cúm vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm, nhưng nếu chích vào tháng 12 hoặc sau đó, vẫn có hiệu quả phòng ngừa trong năm. Hầu hết mọi người sẽ được chích một mũi ngừa cúm mỗi năm. Nhưng những trẻ sau cần chích hai mũi, cách nhau ít nhất bốn tuần: Trẻ nhỏ hơn chín tuổi chích ngừa cúm lần đầu tiên. Trẻ đã chích ngừa cúm lần đầu năm ngoái nhưng chỉ mới chích được một mũi. Có một số trường hợp không chích ngừa cúm được: Người bị dị ứng nặng với trứng, dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vaccine, dị ứng nặng với lần chích ngừa vaccine cúm trước đó. Người đang mắc bệnh ở mức độ trung bình hoặc nặng, thường nên chờ cho đến khi hồi phục mới chích ngừa cúm, những người mắc bệnh ở mức độ nhẹ thường có thể chích ngừa cúm được. BS TRƯƠNG HỮU KHANH, BV Nhi đồng 1 |
Thep PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo