Uống 4 tỷ lít bia mỗi năm, người Việt vẫn chỉ tiêu thụ ở mức “trung bình”?
Trong một công văn góp ý dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia gửi lên Bộ Y tế, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, theo số liệu của WHO năm 2014 với mức sử dụng bình quân 6,6 lít cồn nguyên chất/người/năm thì Việt Nam chỉ đứng thứ 94/194 nước thành viên.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít năm 2016, Việt Nam thuộc nhóm có mức trung bình thấp. Do đó, VBA cho rằng, nếu theo số liệu này thì việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam chưa đến mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.
VBA còn cho rằng, Bộ Y tế dẫn số liệu cho biết sản lượng bia năm 2017 đã chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,5% so với sản lượng tiêu thụ bia năm 2016 và trích dẫn là theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Hiệp hội là “có sự nhầm lẫn”. Hiệp hội này khẳng định, sản lượng bia năm 2017 chỉ tăng 5,65% so với năm 2016.
VBA cũng dẫn báo cáo của Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản cho hay, lượng bia tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm trên thế giới (năm 2016), đứng đầu bảng xếp hạng là Cộng hoà Séc với 143,3 lít/người/năm. Nhật Bản với lượng sử dụng bình quân theo đầu người là 41,4 lít/người/năm và xếp thứ 54.
"Việt Nam không nằm trong bảng xếp hạng này, Việt Nam có thể xếp từ thứ 55 trở lên sau Hàn Quốc, Nhật Bản và vào loại trung bình so với các nước trong khu vực và trên thế giới", VBA nhận định.
Đáng lưu ý, trước đó tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Y tế nhấn mạnh “việc sử dụng rượu, bia gây ra những hệ luỵ to lớn với sức khoẻ, các vấn đề kinh tế - xã hội và sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu không được ngăn ngừa kịp thời”.
Tuy nhiên, VBA cho rằng, thực tế hiện nay nếu sử dụng rượu, nhất là rượu vang và bia một cách hợp lý thì còn có lợi cho sức khoẻ. Chỉ có lạm dụng rượu bia hoặc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc mới là nguyên nhân ảnh hưởng sức khoẻ.
Theo VBA, những ý kiến về tác hại của rượu bia với xã hội cũng cần được xem xét lại, có điều tra thực tế chứ không thể lấy số liệu quốc tế với điều kiện khác rất xa với Việt Nam để nói rằng chi phí cho việc phòng, chống và khắc phục tác hại của rượu, bia lớn gấp 1,5 lần đóng góp ngân sách của ngành.
VBA cũng cho rằng, tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Mặc dù bị các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia phản đối kịch liệt, nhưng Bộ Y tế cũng có những lý lẽ của mình.
Tại một hội thảo diễn ra cách đây không lâu, đại diện Bộ Y tế chỉ ra rằng, tỉ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc dạng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn/năm. Về tiêu thụ rượu bia, Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm. Nếu tính độ tuổi sử dụng rượu bia là trên 15 thì trung bình mỗi người Việt uống khoảng 6,6 lít cồn nguyên chất nhưng ở Việt Nam có tới 77% nam giới uống rượu bia. Con số này tương ứng với mức tiêu thụ trung bình khoảng 27 lít cồn nguyên chất mỗi người.
"Đây là mức rất cao. Không những thế, tỉ lệ sử dụng rượu bia tăng nhanh hằng năm. Giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình là 3,8 lít/năm nhưng chỉ sau 5 năm đã tăng gấp đôi. Dự tính khoảng 5 năm tới, mức độ tiêu thụ cồn ở Việt Nam sẽ vào khoảng 7 lít/năm", đại diện Bộ Y tế khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững