Tin tức - Sự kiện

Uống bia, dấm táo mèo: Cân không giảm lại mang bệnh

Nhiều chị em đã uống bia để giảm cân, thậm chí uống dấm táo mèo hàng ngày. Nhưng mỡ chẳng tiêu hao mà dạ dày bị chảy máu.

Chiêu uống bia giảm cân

 

Nhiều chị em sau khi sinh nở thấy vòng bụng to ra, mỡ hàng tảng nên rất mong giảm cân, có vòng bụng thon gọn.

 

Nếu chọn phương án ăn uống “bóp mồm, bóp miệng” thì không nhiều người làm được. Chị Hóa (Thái Thịnh, Hà Nội) kể: “Lúc mình đang ăn được mà phải nhịn ăn thì thấy khổ sở vô cùng. Nhìn cái gì cũng thấy thèm. Sáng mà nhịn ăn thì bụng cồn cào, thấy như choáng váng. Trưa không ăn đủ 2 bát thì 2 giờ chiều đã thấy đói. Đấy là chưa kể, nhìn thấy chất đạm, mỡ là phải kiêng. Mua về làm cơm cho chồng con ăn mà mình không ăn cũng khó lắm”.

 

Thế là chị chọn cách giảm cân bằng... uống bia. Đây là cách mà bạn chị Hóa chia sẻ. Chị mua cả thùng bia 333 về để ở nhà để dùng dần.

 

 

Uống bia là cách chị Hóa giảm cân.

 

Theo lộ trình, chị sẽ uống bia trong vòng 2 tháng, mỗi ngày 2 lon vào sáng sớm và chiều tối. Buổi sáng, ngủ dậy uống 1 lon, dạ dày sẽ đầy và không có cảm giác thèm ăn, chị sẽ đi làm luôn. Nhưng đến cơ quan chị mang theo ít bánh dành cho người ăn kiêng và nhấm nháp. Trưa chị ăn cơm bình thường. Tối về nhà, trước bữa ăn chị lại uống 1 lon bia. Cơ chế của nó là làm dạ dày thấy đầy nên chị sẽ ăn 1 bát cơm tối.

 

Chị Hóa bảo: “Mình cứ thử áp dụng xem sao, chứ cho đến nay, tôi uống đã 2 tuần rồi, cũng thấy người ngót nửa kg đấy. Nhưng bụng cồn cào lắm, không biết có kiên trì được không”.

 

Song, chị Hóa chưa tính tới một tác hại khác khi uống bia rượu. Đó chính là cơ thể không thể hấp thụ hết lượng bia đều đặn như chị Hóa đang uống, dẫn tới gây hại cho cơ thể. Theo tính toán của các nhà khoa học, trong một giờ, 10kg trọng lượng cơ thể chỉ phân hủy được khoảng 1g cồn. 1 lon bia thường chứa khoảng 10g cồn.

 

Như vậy, nếu uống 1 lon, thì phải người có trong lượng 100kg mới có thể phân hủy hết lượng cồn trong đó. Song chị Hóa mới chỉ nặng 61kg, sau 1h, 4g lượng cồn dư thừa đó sẽ quay sang tấn công cơ thể chị.

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định, nếu bệnh nhân tiểu đường uống thức uống có cồn rất dễ bị hạ đường huyết. Đặc biệt đối với bệnh nhân đang dùng thuốc hạ đường huyết hoặc đang chích Insulin nếu dùng bia sẽ rất dễ gây phản ứng phụ.

 

Người bị kết sỏi ở niệu đạo nên biết nếu uống rượu bia sẽ thúc đẩy quá trình tạo sỏi đường tiết niệu. Với bệnh nhân bị viêm dạ dày mãn tính bia sẽ gây chướng bụng trên, khiến ta có cảm giác chán ăn. Hậu quả là bệnh viêm dạ dày càng nặng thêm.

 

Như vậy, trong trường hợp giảm béo bằng bia, các chị em nên cân nhắc về hàm lượng cồn mà mình dung nạp vào cơ thể có phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mình hay không.

 

Giảm béo bằng dấm táo mèo: Chảy máu dạ dày

 

Theo tìm hiểu của PV VTC News, trên thị trường hiện rất nhiều loại dấm táo mèo tự chế được bán với giá khá rẻ.

 

Một người tên T.Đ.L tại Mễ Trì Hạ, Hà Nội rao bán dấm táo mèo với giá 220 ngàn đồng/can 5 lít. Theo người này thì dấm táo mèo giúp giảm béo phì, thừa cân. Chỉ cần uống 3 thìa dấm táo mèo pha với một cốc nước, uống sau bữa ăn.

 

Còn theo một người bán dấm táo mèo tại chợ Cống Vị, Hà Nội thì: Nên uống dấm táo mèo với mật ong, sẽ giảm được 2 kg/tuần. Hòa dấm táo mèo với mật ong, mỗi thứ 3 thìa vào 250 ml nước lọc, chia làm 2 lần uống sau khi ăn.

 

Tuy nhiên, đây chỉ là cách giảm cân truyền miệng. Chính vì vậy, có nhiều người rước họa khi sử dụng dấm táo mèo giảm béo tùy tiện. Chị N.H.T (Hà Đông, Hà Nội) áp dụng phương pháp giảm béo bằng uống dấm táo mèo. Nhưng chị T. đã dừng hẳn sau khi uống hơn 1 tháng vì thấy đau dạ dày, khi chị đi nội soi thì dạ dày bị xuất huyết.

 

Còn chị Trà ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại bị ngộ độc khi uống dung dịch này.

 

Chị cho biết:“Tôi đã mua 4 lít nước táo mèo với giá 20.000đ. Theo hướng dẫn của người bán hàng tôi pha dung dịch này với nước để uống sau bữa ăn. Con gái tôi cũng muốn giảm cân nên 2 mẹ con cùng uống. Không ngờ chỉ 2 giờ sau khi uống, 2 mẹ con đều bị đau bụng. Con gái tôi đi ngoài và nôn liên tục. Đến bệnh viện khám tôi mới biết mình bị ngộ độc do uống phải loại dung dịch không đảm bảo chất lượng, còn con gái tôi rơi vào tình trạng khá nghiêm trọng do mất nước quá nhiều. Sau khi được truyền nước liên tục, 2 mẹ con mới qua cơn nguy kịch”.

 

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Giao, phòng Đông y thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương: “Táo mèo nằm trong nhóm chữa đầy bụng, khó tiêu chứ táo mèo để giảm béo thì không có nghiên cứu nào chứng minh”.

 

Về lý do chị T. uống dấm táo mèo bị chảy máu dạ dày, theo TS Đỗ Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học và Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thì có thể chị T uống dấm táo mèo có nhiều axit và uống vào thời điểm không hợp lý như lúc dạ dày trống… Thậm chí có thể do dấm táo mèo được làm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

 

Theo VTC

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo