Tin tức - Sự kiện

Uống say vẫn lái xe là thói quen phổ biến của nhiều người

Việc uống rượu bia sau đó vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thói quen còn phổ biến của người dân. Cùng với đó là việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.

 Nhận định này được Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam (2010 - 2014) vừa tổ chức ngày 27/3 tại Hà Nội.

 

Nhiều người dân vẫn còn thói quen lái xe sau khi uống bia, rượu.
 
Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình “Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn” tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ chương trình do Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) điều phối, tập trung triền khai các hoạt động trong 3 sáng kiến: Rượu, bia và lái xe; Quy chế tự chịu trách nhiệm trong quảng bá và marketing sản phẩm; Rượu, bia phi thương mại, tại 18 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
 
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết và rút kinh nghiệm từ những thành công và thách thức trong qụá trình 5 năm triển khai thí điểm và mở rộng hoạt động tại Việt Nam 2010 - 2014, bao gồm điều hành, quản lý và hoạt động dự án các cấp từ Trung ương đến địa phương. Báo cáo đánh giá cuối kỳ về kết quả và tác động của Dự án, dự kiến kế hoạch hoạt động tiếp theo tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Hành động toàn cầu”.
 
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các thực hành tốt và kinh nghiệm đã có khi triển khai Dự án giai đoạn 2010 - 2012 ở quận Hải Châu và huyện Liên Chiểu của Đà Nẵng đã được nhân rộng ra toàn thành phố Đà Nẵng, mở rộng thí điểm tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2013 - 2014 và đã thu được nhiều kết quả khả quan.
 
“Chúng tôi đánh giá cao mục tiêu đã đạt được của chương trình “Hành động toàn cầu” tại Việt Nam; đó là đảm báo tính hiệu qủa tính bền vững và xã hội hóa trong công tác phối hợp thực hiện Dự án.
 
 
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẵn sàng tiếp tục hợp tác với ICAP, nay là Liên minh Quốc tế về Uống có trách nhiệm (LARD) triển khai các chương trình Uống có trách nhiệm. Hai bên sẽ nỗ lực cùng góp sức cải thiện tình trạng lạm dụng rượu bia và điều khiển phương tiện ở Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, năm 2010, khi Tổng giám đốc các công ty quốc tế sản xuất rượu, bia công bố chương trình "Hành động toàn cầu ” và sau đó vào năm 2013, đã mở rộng các cam kết trong chương trình, họ đã tin tưởng chắc chắn rằng ngành công nghiệp đồ uống có cồn phải có trách nhiệm góp sức cùng với các đối tác khác ủng hộ chủ trương phòng chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn của chính phủ các nước.
 
Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm soát nồng độ cồn ở nhiều địa phương (Ảnh minh họa)
 
Đánh giá các kết quả đạt được qua 5 năm triển khai dự án của ICAP tại Việt Nam và thí điểm ở các địa phương trước khi thực hiện trên cả nước, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, hoạt động xử lý vi phạm nồng độ cồn được nâng lên đáng kể.
 
 
Trong giai đoạn tiếp theo, ngoài việc kiểm tra xử lý chung, có thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, tức là xử lý sàng lọc, sau đó đi vào xử lý các vi phạm cụ thể. Nếu qua sàng lọc mà không thấy phương tiện vi phạm thì cho đi, giúp việc kiểm tra, xử lý nhanh, gọn và chính xác hơn.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ bài học kinh nghiệm qua công tác triển khai các chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Nghệ An, cũng như kinh nghiệm mở rộng hoạt động Dự án bằng nguồn ngân sách đối ứng của địa phương.
 
Trong đó, các mục tiêu cơ bản của dự án đã hoàn thành như nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị trong quản lý, điều hành, thực hiện dự án, nhất là công tác tuyên truyền và cưỡng chế.
 
Người dân trên địa bàn triển khai dự án về hiểm họa của lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện đã được nhận thức đầy đủ hơn. Từ đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên địa bàn thí điểm tự giác tốt, tự giác hơn trước.
 
Trong thời gian tới, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp cùng ICAP triển khai nhiều dự án an toàn giao thông, không chỉ trong phòng chống lái xe uống rượu bia mà còn nhiều các hoạt động khác nhằm hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo