Tin tức - Sự kiện

Ưu tiên kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội

Trong ngày làm việc đầu tiên (7/12), đại biểu HĐND TP đã nghe và thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012.

 

*Thảo luận và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng

*Phương án đổi giờ học giờ làm: Nhiều đại biểu băn khoăn
 
 
Trong đó, một vấn đề được đặt ra là ngoài các giải pháp phát triển nền kinh tế, không nên "xem nhẹ"  an sinh xã hội.
 
Tăng trưởng vẫn thấp hơn kế hoạch

Trong năm nay, dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, song sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 10,13%, gấp 1,67 lần mức chung của cả nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá với vốn đăng ký đạt 1,5 tỷ USD, gấp 1,75 lần; vốn thực hiện đạt 752 triệu USD, tăng 10,6%, so với năm 2010. Thành phố đã đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm vốn của 252 dự án, công trình đầu tư công chưa thực sự cấp thiết với kinh phí cắt giảm trên 806 tỷ đồng để điều chuyển bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2011.

Đồng thời, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường. TP đã chi 560 tỷ đồng cho công tác bình ổn giá và dự trữ cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân, nhờ đó, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng đã giảm dần. Chỉ số CPI từ mức 3,28% vào tháng 4 đã giảm còn 0,13% vào tháng 10, thấp hơn của TP Hồ Chí Minh (0,18%) và cả nước (0,36%).

Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2011, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng nhận định, dù đã nỗ lực cố gắng, song tăng trưởng GDP cả năm của Hà Nội vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra từ đầu năm là 12%. Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, diện tích sàn nhà ở, lượng nước sạch, số dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom... cũng chưa đạt chỉ tiêu. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố vẫn ở mức cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của thành phố năm 2011 đạt 43,3 triệu đồng/người. Mặt bằng lãi suất ở mức cao cũng ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng chậm dần. Đáng chú ý, mặc dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng là 2,08%, song tỷ lệ này của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, những vấn đề dân sinh bức xúc như hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế, chợ...) chậm được xây dựng và thiếu đồng bộ, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông chưa được giải quyết, môi trường, môi sinh chưa có chuyển biến.
 
 
 
Lãnh đạo TP và các đại biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, HĐND TP, nhiệm kỳ 2011 - 2016.   Ảnh: Quỳnh Anh

Tăng đầu tư cho an sinh xã hội

Mục tiêu đặt ra trong năm 2012 của TP là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân... Hà Nội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tăng 10 - 10,5%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15 - 17%.

TP cũng đặt ra các nhóm giải pháp để tập trung thực hiện. Trong đó, tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; Tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, ưu tiên tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, các mục tiêu an sinh xã hội. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Một vấn đề quan trọng được các đại biểu HĐND cũng như lãnh đạo thành phố nhấn mạnh là tăng đầu tư cho các các vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, thành phố sẽ điều hành và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tiếp tục điều hành quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả hạn chế tối đa tác động tăng giá do yếu tố tâm lý. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, nhất là tại các khu đô thị mới; giám sát trật tự xây dựng đô thị, kiên quyết xử lý nhà không phép, sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn...

Nhiều đại biểu đề nghị thành phố nên chú ý đầu tư cho các dự án xã hội. Đại biểu Nguyễn Quỳnh Anh (Từ Liêm) cho rằng, trong các dự án trọng điểm nên xem xét lại, đưa vào các dự án liên quan đến nghĩa trang, đài hóa thân. Đây là việc cần thiết vô cùng, cần phải có chủ trương gấp rút chứ không phải kéo dài. Cùng với đó là các điểm tập kết rác, các dự án môi trường, không nên xem nhẹ. Đại biểu Hoàng Mạnh Phúc (Phúc Thọ) cũng đề nghị, thành phố tiếp tục quan tâm đến chỗ học cho lứa tuổi dưới 5 tuổi; đời sống giáo viên. Ông Nguyễn Mạnh Hùng (đại biểu huyện Ba Vì) cũng cho rằng, năm 2012 khi đưa ra các dự án trọng điểm, nên có một mục dành riêng cho giao thông nông thôn. Đây không chỉ là điều kiện giúp địa phương phát triển kinh tế, mà còn là mục tiêu để phát triển an sinh xã hội, góp phần giải quyết khó khăn.

Nhiều đại biểu kiến nghị, thành phố nên xem lại mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2012. Bởi trong tình trạng cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, nên khó đạt mức tăng trưởng.
 
Hôm nay, 8/12, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của thành phố sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại hội trường.
 
Theo Kinh tế đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo