Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Hiến kế xử lý nợ xấu
Giải quyết nợ xấu hiện đang là một trong những điểm nóng chính sách của năm 2013. Song Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, bên cạnh những giải pháp thông dụng, cần phải có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm DN hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.
Xử lý nợ xấu - một nội dung quan trọng của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng do vậy cần được xem xét trong một khuôn khổ rộng lớn hơn, trong mối liên quan hai chiều với tăng trưởng kinh tế.
Cũng giống như lạm phát, tăng trưởng kinh tế cũng có quan hệ hai chiều với dòng tín dụng để có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khi tương tác với nhau: tăng trưởng suy giảm có tác động làm gia tăng nợ xấu từ đó sẽ làm tắc nghẽn dòng tín dụng nuôi dưỡng nền kinh tế thực và qua đó sẽ có tác động làm tăng trưởng tiếp tục suy giảm.
Tốc độ tăng trưởng 5,03% năm 2012 - mức thấp nhất trong vòng hơn một thập niên đã phần nào cho thấy nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn này nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ xấu.
Giải quyết nợ xấu hiện đang là một trong những điểm nóng chính sách của năm 2013. Song Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, bên cạnh những giải pháp thông dụng, cần phải có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm DN hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.
Đối với ngành thủy sản - ngành của Việt Nam được thừa nhận rộng rãi là có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngành này cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển nông thôn và chi phí để giải quyết nợ xấu không quá lớn. Bởi vậy có thể chỉ cần có cơ chế khuyến khích phù hợp là có thể giúp cho ngành chế biến thuỷ sản thực hiện hiệu quả quá trình sàng lọc và tái cơ cấu.
Cụ thể, có thể cơ cấu lại nợ cho DN; tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn; tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí vốn; mua lại nợ cho DN kết hợp với việc giám sát dòng tiền, bảo đảm sử dụng đồng tiền đúng mục đích, không đầu tư ngoài ngành.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Chính phủ đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với các DN kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải.
Bởi dạng bất động sản này có giá trị cao chủ yếu nhờ đất ở vị trí đẹp cũng như sử dụng chủ yếu nguyên vật liệu xây dựng ngoại nhập đắt tiền, do vậy tác động lan tỏa đến các ngành khác hạn chế. Điều này sẽ buộc các DN có liên quan phải tính toán sớm hạ giá (để tránh lợi nhuận bị ăn mòn hết bởi chi phí tài chính), giúp phá băng và tạo thanh khoản cho thị trường, qua đó đẩy nhanh quá trình điều chỉnh về điểm cân bằng dài hạn.
Chính phủ sử dụng nguồn lực hạn hẹp cũng như những ưu đãi chính sách để ưu tiên hỗ trợ các DN xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để phục vụ cho quảng đại những người dân lao động thu nhập thấp, đồng thời còn giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa giúp giải quyết tồn kho và giảm nợ xấu ở các DN sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, cần minh bạch hóa và giám sát chặt chẽ việc thực thi, kể cả từ phía các cơ quan của Quốc hội, để các hỗ trợ này được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng.
Về lâu dài cần đánh thuế tài sản như được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu cơ để tránh khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.
Đối với lĩnh vực năng lượng, để giải quyết nợ xấu cần tái cơ cấu mạnh mẽ đối với EVN, xóa bỏ đầu tư ngoài ngành để tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả của ngành kinh doanh cốt lõi, áp dụng các biện pháp giảm giá thành và nâng cao hiệu quả, đưa vào phương thức quản trị và giám sát hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả kỹ thuật.
Mặt khác cần kiên định thực hiện lộ trình xóa bỏ dần bù lỗ và chuyển sang cơ chế thị trường để xóa bỏ những méo mó giá cả làm sai lệch sự phân bổ nguồn lực gây bất lợi cho ngành điện trong khi không khuyến khích công nghệ tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ.
Tăng tính lũy tiến trong biểu giá điện để bảo vệ những người có thu nhập thấp và buộc những người sử dụng nhiều điện (thường là những người khá giả) phải chịu nhiều hơn gánh nặng tài chính của sự tăng giá điện.
Tuy nhiên cần chọn lựa thời điểm điều chỉnh thích hợp để tránh lạm phát tâm lý và tăng cường công tác truyền thông để giải thích cho công chúng, tạo ra sự đồng thuận xã hội.
Minh Trí
Theo Thời báo Ngân hàng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo