Bình luận

Vải thiều được xuất khẩu sang Mỹ, Úc - Đừng vội mừng!

Trái cây Việt Nam được nhiều thị trường khó tính tiếp cận cho thấy những thành công bước đầu trong lộ trình chuyên nghiệp hóa nền nông nghiệp. Nhưng đi được là một chuyện còn có trụ vững và tạo thương hiệu được hay không lại là một bài toán khác. Chưa kể đến vô vàn những khó khăn trước mắt mà những nhà quản lý cần lượng trước.

 

Thời gian gần đây, thông tin vải thiều của Việt Nam tìm được thị trường xuất khẩu mới đầy tiềm năng là Mỹ và Úc đã làm người dân trồng vải khu vực Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên có thêm động lực tiếp tục gắn bó với loại cây trồng thương hiệu của địa phương mình.

 

Xuất khẩu chỉ là thành công bước đầu.

 

Nhưng nếu nhìn rộng ra cả nước, tương lai các loại nông sản khác Việt Nam hoàn toàn có thể làm chuyên nghiệp đạt chuẩn về chất lượng – quy mô – kỹ thuật để đi theo hướng đi này. Như vậy sẽ tránh việc phụ thuộc vào một thị trường để rồi bị ép giá hay tồn đọng hàng trong nước trong khi thị trường quốc tế vẫn đang rộng mở.

 

 Lượng thanh long xuất khẩu của nước ta tăng nhanh từ 2008 đến nay. ( Ảnh: Internet)

 

Sau nhiều năm cố gắng tìm kiếm, đàm phán để mở rộng thị trường ra nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Công thương cùng với nỗ lực quy hoạch vùng cây trồng đặc thù có định hướng cụ thể trên mỗi địa phương đến nay đã đạt được một số hiệu quả nhìn thấy được.

 

Có thể kể đến như trái thanh long của Việt Nam đã xuất hiện ở Mỹ từ năm 2008 ( hiện nay đã sang Nhật, Hàn Quốc), xoài xuất đến New Zealand và Hàn Quốc; chôm chôm hay nhãn cũng lần lượt tìm được một chỗ trên kệ hàng trên đất Mỹ. Măng cụt và vú sữa đang trong quá trình xúc tiến để xuất khẩu.

 

Việc đưa được mặt hàng của nước ta sang những thị trường khó tính nhất cả nước chỉ là thành công bước đầu. Bởi đa số số lượng xuất đi chỉ được biết đến và tiêu thụ trong các cộng đồng nhỏ người Châu Á. Thêm nữa là sự cạnh tranh về giá, số lượng, chất lượng, thương hiệu đến từ các cường quốc như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Israel…

 

Khó khăn vẫn ngay trước mắt.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật nhận định: “ Các nước mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam trước mắt chỉ mang ý nghĩa chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật và chất lượng họ yêu cầu. Còn chuyện các mặt hàng này có trụ lại được và mở rộng được ra hay không thì lại liên quan đến chiến lược quảng bá thương hiệu – một yếu tố mà chúng ta đang vô cùng yếu và thiếu…”.

 

Quay lại với câu chuyện xuất khẩu vải sang Mỹ và Úc sắp diễn ra trong tháng 6 tới, trước mắt có Bắc Giang và Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng nguyên liệu dưới sự giám sát của đại diện nước nhập khẩu. Chúng ta cơ bản đã đáp ứng được về quy mô trồng liền kề, quả thu hoạch được bọc và sử dụng bộ thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của họ.

 

Vải thiều đang có cơ hội lớn ở thị trường Mỹ và Úc. (Ảnh: Internet) 

 

Bên đối tác yêu cầu vấn đề bảo quản, ngăn ngừa dịch bệnh phải dùng phương pháp chiếu xạ. Nên tới đây, sau khi thu hoạch và sơ chế vải ở các tỉnh phía Bắc, tất cả sẽ chuyển vào trong Nam bằng xe lạnh để xử lý tiếp và đóng gói. Vì hiện nay chỉ có 2 công ty chiếu xạ ở thành phố HCM được Mỹ công nhận.

 

Một vấn đề vẫn làm người trồng vải lo lắng nữa là giá bán buôn. Khi chúng ta đã làm mọi thứ theo đúng quy trình, đúng công nghệ, đạt chất lượng họ đề ra thì chi phí đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Nhưng giá vải thu mua vẫn chưa ai biết. Dĩ nhiên giá bán sẽ cao hơn trong thị trường nội địa hay xuất thô sang Trung Quốc nhưng cao hơn bao nhiêu vẫn là ẩn số?

 

 Đây là năm đánh dấu bước tiến tiến của quả vải nhưng những bài học về sản xuất ồ ạt các loại quả khác vẫn còn ngay trước mắt. Khi người trồng thấy cái lợi trước mắt sẽ đổ xô canh tác dẫn đến có nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, quy trình chất lượng không đảm bảo, khó kiểm soát về giá trong giai đoạn thu hoạch hàng loạt.

 

 

Bảo Nguyên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo