Tin tức - Sự kiện

Vải thiều rẻ như rau muống: Vấn đề cấp bách rồi!

“Dân gian ta có câu nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nhưng tôi đã chứng kiến mấy đời của gia đình tôi làm nông nghiệp đều rất vất vả”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Chỉ trong mấy ngày qua giá 1 kg vải đang từ 20.000 đồng/kg rớt giá xuống còn 7.000đồng/kg.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) có cuộc trao đổi với PV bên lề Quốc hội chiều 19/6 về "điệp khúc" được mùa rớt giá khiến người nông dân chịu thiệt thòi.

PV: Mùa vải 2014 nông dân Bắc Giang rất vui vì vải được mùa, tuy nhiên chỉ trong mấy ngày qua giá 1 kg vải đang từ 20.000 đồng/kg rớt giá xuống còn 7.000đồng/kg, lại giống như giá dưa hấu ở miền Tây Nam Bộ rớt thảm hại chỉ bằng giá cốc trà đá. Người nông dân chịu thiệt thòi như vậy do đâu, thưa ông?

Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do người nông dân thì cứ chạy theo xu hướng số đông về cây trồng trọt và không có điều kiện nghiên cứu thị trường để xem giá cả trong tương lai nó như thế nào. Đây cũng là bài toán đã được Chính phủ đặt ra rồi nhưng làm chưa tới nơi. Đó là mình chưa làm quy hoạch vùng và phải nghiên cứu thị trường.

Nếu làm được cái này thì chúng ta phải thông báo cho người nông dân biết sắp tới đây thị trường về nông sản, thị trường dưa hấu, thị trường vải như thế nào để người nông dân biết mà đầu tư. Bây giờ quanh năm suốt tháng xảy ra tình trạng được mùa mất giá như vậy tôi cũng rất đau lòng. 

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Việc điều chỉnh này sẽ hỗ trợ một phần đối với mặt hàng mà chúng ta xuất khẩu, để có thêm nguồn thu.

Thêm vào đó, chúng ta phải tăng cường giám sát giá đầu vào, bởi vì các chi phí như là thức ăn gia súc, phân bón đôi khi là chi phí nhập, mà chi phí nhập nếu giá điều chỉnh lên thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường, cho nên phải giám sát để đảm bảo giá minh bạch. 

Bài toàn hôm trước mà ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa giải pháp rất chi tiết, nên trồng cái cây gì, nuôi con gì đều phải có chiến lược chứ không phải muốn trồng là trồng được đâu. Hôm nay nếu chúng ta trồng cây vải để thừa, ứ đọng nhiều chúng ta yêu cầu chuyển sang cây khác. Hiện nay mình bán được như thế này vẫn còn hơn là mất mùa, hoặc là không có thị trường. Cho nên cái bài toán này Chính phủ cần phải có lời giải cho nông dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Xuân Hải)

PV: Thưa ông, "điệp khúc" được mùa mất giá diễn ra trong nhiều năm nay nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa có giải pháp khiến người nông dân chịu thiệt?

Ngay từ đầu tôi đã chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: chúng ta đã đặt ra cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp như thế nào? Năm vừa qua, chúng ta đã tập trung và tái cơ cấu ngành nông nghiệp? Do đó, để đề án đi vào cuộc sống thì chúng ta phải có ưu tiên đối với nông dân. Hiện nay chúng ta thấy cấp bách rồi, cần phải tập trung trí lực và tài lực cho việc định hướng cho người nông dân. Vì người nông dân là người thua thiệt nhất hiện nay kể cả về thông tin, chất lượng cuộc sống. Do đó cần phải có định hướng rõ ràng bằng nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội đối với ngành nông nghiệp.

PV: Về mặt quy hoạch là do Nhà nước, còn đối với nông dân thì ông có lời khuyên như thế nào đối với việc trồng ồ ạt các loại nông sản để rồi được mùa lại mất giá?

Gia đình tôi cũng xuất thân từ làm nông nghiệp, cho nên tôi rất thấm thía nỗi khổ của người nông dân. Dân gian ta có câu nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nhưng tôi đã chứng kiến mấy đời của gia đình tôi làm nông nghiệp đều rất vất vả. Tôi rất chia sẻ với người nông dân và cũng mong rằng những người nông dân cũng phải tiếp cận, tìm hiểu thêm những thông tin, học và tiếp cận dần với internet, tiếp cận với thông tin. 

Chính phủ cũng cần phải có hỗ trợ cho người nông dân nâng cao văn hóa cũng như kiến thức, đưa các thông tin, sách báo về khoa học kỹ thuật về các nhà văn hóa xã, thôn để nhân dân có điều kiện tiếp cận với khoa học nhiều hơn, kịp thời nắm bắt thông tin và chia sẻ .

Theo tôi, Chính phủ nên có ghị quyết hướng về nông nghiệp như là chúng ta hướng về ngư dân trong thời gian qua. Chúng ta hiện có 3 thế mạnh. Thế mạnh thứ nhất về nông nghiệp nhưng chúng ta phải làm chủ được điều này. Chúng ta phải có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông nghiệp của chúng ta hiện nay chỉ có 3% ưu đãi để tăng năng suất lao động.

Cái thế mạnh của chúng ta hiện nay là thế mạnh về biển, một bờ biển dài và đẹp nhưng những ngành ăn theo rất chậm, do đó chúng ta cần đầu tư vào đấy. Ngành thứ ba là ngành du lịch, một ngành công nghiệp không khói, không phụ thuộc vào bất cứ nguyên vật liệu nào từ nước ngoài và đầu tư rất hiệu quả, cho nên chúng ta cần đầu tư vào đó. 

Bên cạnh đó, nông dân không nên chạy theo xu hướng sản xuất ồ ạt. Đây cũng là vấn đề được đề án đặt ra, mong rằng Chính phủ sớm triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nông dân không còn cảnh được mùa mất giá.

Xin cảm ơn ông!

 

 
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo