Vải thiều sang Mỹ sẽ còn gian nan
Mặc dù đã được Mỹ cho phép NK, tuy nhiên vải thiều từ các tỉnh phía Bắc gặp không ít khó khăn và sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn có lô hàng XK đầu tiên trong vụ vải năm 2015.
Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, sau khi nhận được thông báo từ phía Mỹ cho phép NK vải và nhãn từ Việt Nam từ tháng 9/2014, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã chủ động liên hệ với Cục BVTV nhằm phối hợp triển khai những công việc nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Mỹ, mục tiêu là có lô hàng vải thiều XK sang Mỹ trong vụ vải 2015.
Đánh giá về vùng SX vải thiều tại Bắc Giang, ông Hoàng Trung cho biết: Bắc Giang hiện đã xây dựng được vùng SX vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khá lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng cũng như đảm bảo việc kiểm soát các chỉ tiêu ATTP mà phía Mỹ yêu cầu.
Việc đã tổ chức được diện tích lớn và tập trung vải SX theo VietGAP sẽ là điều kiện rất thuận lợi để đáp ứng yêu cầu cấp mã số vùng trồng (tối thiểu 10 ha/vùng) theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng sẽ áp dụng rất nghiêm ngặt đối với các thông tin về vùng SX theo mã số cũng như kiểm soát các loại dịch hại và dư lượng thuốc BVTV.
Theo đó, tất cả các thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm như giống, diện tích, đơn vị trồng, địa điểm... sẽ phải được cập nhật vào phần mềm và chuyển sang cho phía Mỹ trước vụ vải năm 2015 để họ cấp mã số chiếu xạ.
Nghĩa là nếu sau này lô hàng nào không thực hiện nghiêm yêu cầu của họ về chất lượng và ATTP, họ sẽ truy ngược lại nguồn gốc để xử lí. Vì vậy từ nay đến vụ vải năm 2015, Bắc Giang và Cục BVTV phải cùng nhau siết chặt việc thực hiện quy trình SX VietGAP, đặc biệt là quản lí dịch hại và dư lượng các loại thuốc BVTV mà phía Hoa Kỳ cấm sử dụng.
Cụ thể, phía Mỹ yêu cầu kiểm soát thế nào về dịch hại cũng như dư lượng thuốc BVTV, thưa ông?
Để XK được sang Mỹ, họ yêu cầu vải phải không được nhiễm nấm Phytophthora cùng khoảng hơn 10 loại ruồi, rệp đục quả như: Bactrocera dorsalis; Conogethes punctiferalis; Tessaratoma papillosa...
Đồng thời, họ cũng yêu cầu không được sử dụng các loại thuốc BVTV mà Mỹ cấm sử dụng như Iprodione; Cypermethrim; Difenoconazole; Carbendazim...
Đối với các loại dịch hại, sẽ phải thực hiện việc chiếu xạ (với liều lượng 400 Gray) theo quy định của phía Hoa Kỳ. Hiện tại, Cục BVTV đang xúc tiến xây dựng bản đồ chiếu xạ đảm bảo yêu cầu của phía Mỹ, lúc chiếu xạ phải có sự giám sát của các chuyên gia kiểm dịch của Mỹ cùng với cán bộ KDTV của phía Việt Nam thực hiện.
Đối với các vùng SX, Cục BVTV phải phối hợp với địa phương nơi xây dựng vùng nguyên liệu vải XK để triển khai phương án tới nông dân về việc cấm sử dụng các loại thuốc BVTV như đã nêu. Đây là công việc khá khó khăn.
Vấn đề này Cục BVTV giao cho Trung tâm KDTV sau nhập khẩu II tại TP.HCM, đơn vị từng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát tiêu chuẩn ATTP và chiếu xạ đối với thanh long và chôm chôm XK sang Mỹ, và sắp tới sẽ tiếp tục phải thực hiện nhiệm vụ này đối với vải và nhãn.
Vì vậy, vấn đề giám sát chất lượng cũng như tiêu chuẩn ATTP đáp ứng yêu cầu của Mỹ tôi cho là không đáng ngại. Điều lo lắng, đặc biệt đối với vải thiều ở phía Bắc vẫn là câu chuyện tìm kiếm doanh nghiệp XK.
Có phải ý ông nói phía Bắc không có DN xuất khẩu vải sang Mỹ?
Đúng vậy, ở phía Nam hiện nay có phần thuận lợi hơn khi các DN đã phối hợp với cơ quan chức năng làm các thủ tục xây dựng nguyên liệu để XK thanh long và chôm chôm sang Mỹ rất bài bản rồi. Khi Cục BVTV cấp mã số chiếu xạ cho vùng SX nào đó, thì toàn bộ diện tích ấy DN họ bao mua hết sản phẩm cho dân luôn.
Vì vậy đối với quả nhãn XK sang Mỹ tại phía Nam sẽ không đáng lo. Tuy nhiên đối với quả vải tại phía Bắc hiện nay vẫn chưa thấy dấu hiệu nào khởi sắc khi chưa thấy DN nào có năng lực và ý định XK vải thiều sang Mỹ.
Chúng tôi mới chỉ nghe tỉnh Bắc Giang thông tin là có một số DN đã liên hệ với Sở NN-PTNT tỉnh này dự định sẽ XK vải mà thôi, chứ chưa thấy nói cụ thể thế nào.
Hiện Cục BVTV đã liên hệ với một số DN có kinh nghiệm trong XK hoa quả đi Mỹ ở phía Nam để kêu gọi họ phối hợp làm quả vải ở phía Bắc, đồng thời cung cấp các thông tin đầu mối cần thiết ở phía Bắc để họ liên hệ khi có nhu cầu.
Tóm lại, vướng mắc ở cơ quan quản lí nhà nước có thể tháo gỡ được, nhưng cuối cùng quyết định có XK được vải đi Mỹ hay không thì phải là DN, họ có làm không, làm có lời hay không thì họ mới làm. Cái khó khiến DN không mặn mà đối với quả vải phía Bắc còn có phần do không có hệ thống chiếu xạ.
Cả miền Bắc không có hệ thống chiếu xạ nào đạt yêu cầu sao, thưa ông?
Cả miền Bắc hiện chỉ có một hệ thống chiếu xạ của một đơn vị ở Hà Nội, nhưng nó không đáp ứng được yêu cầu chiếu xạ phục vụ cho XK thương mại, cũng như không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ.
Muốn có dây chuyền chiếu xạ đạt yêu cầu, phải được phía Mỹ sang kiểm tra, cấp phép thì mới được phục vụ chiếu xạ cho hoa quả XK sang họ được. Hiện phía Nam có 2 đơn vị có hệ thống chiếu xạ đạt yêu cầu của phía Mỹ, đã được họ chứng nhận.
Vì vậy, nếu muốn XK vải sang Mỹ thì chỉ còn cách vận chuyển vào miền Nam để chiếu xạ mà thôi. Điều này bên cạnh việc tốn kém trong vận chuyển, sẽ còn khó khăn cho việc bảo quản.
Vậy đầu tư một hệ thống chiếu xạ đó có đắt không, chẳng lẽ lâu nay ở phía Bắc chưa ai làm?
Để đầu tư dây chuyền chiếu xạ đạt chất lượng, máy móc NK phải tốn kém hàng chục triệu USD, có khi còn phải thuê cả chuyên gia của Mỹ sang trực tiếp điều hành việc chiếu xạ nên không hề rẻ. Trước đây cũng đã từng có DN đặt vấn đề đầu tư máy chiếu xạ tại phía Bắc, nhưng do chi phí cao như vậy nên họ đề nghị phải được nhà nước đầu tư ưu đãi.
Cái này còn liên quan đến nhiều ngành, nhất là Bộ KH-CN nữa.
Nói vậy, hóa ra khó mà XK được vải thiều trong vụ vải 2015 như ông nói?
Cũng chưa hẳn vậy. Từ vụ vải thiều 2014, với chủ trương đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, nhiều DN đã chuyển vào phía Nam tiêu thụ một lượng vải thiều rất lớn.
Theo đó, họ cũng đã có kinh nghiệm trong việc vận chuyển, bảo quản giúp vải tươi nguyên trong quá trình chuyển vào Nam. Nếu đưa vào cơ sở chiếu xạ tại phía Nam, không phải tốn quá nhiều thời gian.
Vì vậy tôi nghĩ là sẽ vẫn có DN mạnh dạn đầu tư chuyển vải từ Bắc vào Nam để XK sang Mỹ. Ở đây cần phải xét đến yếu tố lời lỗ nữa, nếu XK mà không lãi thì DN họ không làm.
Vậy nếu về giá cả, XK vải thiều sang Mỹ theo con đường chuyển từ Bắc vào Nam như ông nói liệu có thể có lời không?
Vải ở Mỹ thì tôi không rõ lắm, nhưng ở Nhật, 3 quả vải trị giá 1 USD. Hay như nhãn của Thái Lan XK sang Mỹ, tôi thấy họ bán khoảng 30-40 USD/hộp 5kg. Như vậy so với Việt Nam thì cao hơn rất nhiều lần. Tôi nghĩ nếu XK sang Mỹ thì cũng sẽ có giá cao như vậy thôi.
Hi vọng là vẫn sẽ XK được vải.
Xin cảm ơn ông!
Nông nghiệp Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động
Cột tin quảng cáo