VAMA “xin” ngừng thu phí ô tô, xe máy
Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan, VAMA cho rằng, đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải thu phí hạn chế phương tiện cá nhân với mức thu từ 20 đến 50 triệu đồng/xe ô tô/năm, tùy từng loại xe là mức phí rất cao so với thu nhập hiện tại và khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng Việt Nam, kể cả những người hiện tại đang sở hữu xe và những người đang và sắp có khả năng mua ôtô.
Hiệp hội này cũng nhận định việc sở hữu một chiếc xe phục vụ nhu cầu đi lại là một nhu cầu chính đáng và để sở hữu và lưu hành một chiếc xe, người tiêu dùng đã và đang phải chịu rất nhiều các khoản thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng), phí, lệ phí (phí đăng ký- cấp biển số, phí phí xăng dầu…).
Do đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu cộng thêm phí lưu hành do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, sức mua trên thị trường xe sẽ giảm sút đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, tiêu thụ trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo hiệp hội này, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp này sẽ bị thiệt hại nặng nề và phải đối mặt với tình trạng tồn kho cao hơn nữa (hiện đã rất cao sau khi tăng lệ phí trước bạ vào ngày 1/1/2012) vì với đặc thù của ngành là phải lên kế hoạch sản xuất và đặt hàng trước một thời gian dài. Doanh số giảm sút cũng dẫn tới việc ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm và đời sống của hàng trăm nghìn lao động, thất thu lớn cho ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng vốn đầu tư toàn ngành hiện đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tạo ra khoảng 50.000 việc làm trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng hai tỷ USD/năm.
Về dài hạn, sản lượng của ngành công nghiệp ôtô sẽ giảm sút và đứng ở mức rất thấp trong vòng năm năm tới, dẫn tới không đủ quy mô, động lực và thời gian để phát triển ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trước khi Việt Nam tham gia đầy đủ vào WTO và AFTA vào năm 2018.
Bên cạnh đó, VAMA cũng cho rằng hiện chưa có cơ sở thực tiễn để áp dụng phí vào nội thành giờ cao điểm đối với xe từ bảy chỗ trở xuống 30.000 đồng/lượt/xe vì chúng ta chưa có đầu tư hệ thống bán vé tự động tại các cửa ngõ vào thành phố. Nếu áp dụng ngay biện pháp này, nhiều khả năng sẽ xẩy ra ùn tắc tại tất cả các cửa ngõ vào trung tâm thành phố và không đạt được mục tiêu của biện pháp.
Vì vậy, trước mắt VAMA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoãn, ngừng việc thực hiện mức phí lưu hành được nêu trong đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trong giai đoạn hiện nay đồng thời xem xét, có ý kiến để Bộ giao thông Vận tải và các Bộ ngành có liên quan tiến hành các nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra các giải pháp đồng bộ để cải thiện tình hình giao thông của Việt Nam mà không làm ảnh hưởng đến tương lai phát triển của ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ cũng như đến nhu cầu đi lại và cải thiện mức sống của người dân.
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dược Lâm Đồng LDP liên tiếp bị xử phạt
Sức hút từ condotel và chung cư cao cấp
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều thách thức
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới vào năm 2043
FPT ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11