Tin tức - Sự kiện

Vấn đề biển Đông được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự lần thứ 7 của Quốc hội

Trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình diễn biến trên biển Đông cũng như chủ trương, giải pháp để giải quyết tình hình. Các đại biểu Quốc hội sẽ có trao đổi, thảo luận để làm rõ thêm vấn đề”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng

Chủ trì cuộc họp báo quốc tế công bố chương trình kỳ họp thứ 7 vào chiều 19-5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII khai mạc 9g sáng nay, kéo dài đến ngày 24-6. Tại phiên khai mạc (phát thanh, truyền hình trực tiếp), sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội sẽ nghe Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ông Phúc nói: “Vừa qua Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC), cũng như vi phạm các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc. Trước tình hình đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình diễn biến trên biển Đông cũng như chủ trương, giải pháp để giải quyết tình hình. Các đại biểu Quốc hội sẽ có trao đổi, thảo luận để làm rõ thêm vấn đề”.

Ông Phúc đồng ý sẽ tổ chức họp báo sau các phiên họp kín của Quốc hội về tình hình biển Đông để đáp ứng sự mong đợi thông tin từ phía cử tri.

*Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết quan điểm của cá nhân, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, về vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam? Theo ông, Quốc hội nên phản ứng như thế nào trước vụ việc này?

- Tôi nghĩ rằng đối với Quốc hội, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội Việt Nam có chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Thời gian qua, chúng tôi chân thành cảm ơn nhiều nghị sĩ ở các nước đã nhanh chóng lên tiếng phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc cũng như ủng hộ yêu cầu hợp pháp và chính đáng của chúng ta.

Trả lời câu hỏi tương tự của TTXVN, ông Phúc cho biết: Trong các cuộc tiếp xúc của các đoàn Quốc hội nước ta với nước ngoài, ví dụ với chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ, đoàn Quốc hội nước ta cũng có thông báo tình hình và sau đó sáu nghị sĩ Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Và cuộc đấu tranh không chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mà cũng là bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên biển Đông cũng như bảo vệ luật pháp quốc tế.

*Đầu Tư: Tình hình biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của nước ta, Quốc hội có điều chỉnh nhiệm vụ tám tháng cuối năm không? Việc bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua có được thực hiện không?

- Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông sẽ có những chủ trương, giải pháp và trong đó cũng bao hàm cả những giải pháp kinh tế - xã hội. Sau cuộc thảo luận của Quốc hội, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể cho quý vị. Tôi nghĩ chúng ta chưa có lý do gì để điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ vì các chỉ số bốn tháng vừa qua rất tốt.

Những thiệt hại vừa qua là đáng tiếc. Nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước nhưng do kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng nên có hành vi phá hoại tài sản doanh nghiệp. Chính phủ, các ngành, địa phương vừa qua đã nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và sản xuất bình thường. Tôi cho đó là điều tốt.

*Tiền Phong: Quốc hội có đặt ra những vấn đề cụ thể như hỗ trợ cho ngư dân trên biển hay không? Quốc hội có bàn thảo về việc tăng cường tiềm lực quốc phòng trên biển không?

- Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định những nội dung mà Chính phủ báo cáo, đề xuất. Tôi nghĩ Chính phủ sẽ báo cáo tất cả những giải pháp chung, trong đó có cả những giải pháp này, tức là chúng ta có nhiều giải pháp, Quốc hội sẽ quyết các nội dung lớn.

Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, sau đó thảo luận về vấn đề này. Quốc hội cần làm gì? Dưới đây là ý kiến một số đại biểu Quốc hội.

* Đại biểu Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Quốc hội phải có văn bản thể hiện thái độ

Quan điểm cá nhân tôi là tại kỳ họp này, Quốc hội không chỉ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, mà với tư cách cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho toàn dân, Quốc hội phải có một hình thức văn bản nào đó để thể hiện: Thứ nhất là thái độ của Quốc hội đối với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Thứ hai phải thể hiện cho rõ quan điểm của Quốc hội là chúng ta kiên trì ứng xử theo các quy định của DOC mà Trung Quốc là một bên cam kết, nếu họ vi phạm thì không ai tin vào những điều họ sẽ cam kết trong tương lai nữa. Thứ ba, phải thể hiện sự đoàn kết toàn dân, quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển theo đúng quy định trong Hiến pháp.

* Đại biểu Lê Nam (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):

Cần đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Câu hỏi đặt ra là những việc làm của ta như vừa qua đã đủ chưa? Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan Hải Dương 981 thì sao? Tôi nghĩ rằng cử tri đang mong đợi những giải pháp cụ thể và tiếp theo Chính phủ thực hiện sẽ là gì. Những mối quan tâm này cũng sẽ được làm rõ khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông và Quốc hội thảo luận về nội dung này. Cá nhân tôi kiến nghị không còn phải chần chừ gì nữa, Chính phủ cần đưa ngay Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việt Nam phải sớm tiến hành một vụ kiện để cả thế giới thấy rằng chúng ta đúng và Trung Quốc là kẻ đang đi gây hấn, đang vi phạm pháp luật và xâm phạm chủ quyền nước khác. Thứ hai, phải có giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa để ngư dân yên tâm bám biển, từ những hỗ trợ về mặt tài chính, đóng tàu thuyền vỏ sắt và dịch vụ hậu cần nghề cá... giúp ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ. Thứ ba là thực hiện các giải pháp ngoại giao để thế giới hiểu đúng và chúng ta không bị cô lập trong cuộc đấu tranh này. Tôi cũng ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp kiên quyết để tránh xảy ra tình trạng như ở Bình Dương, Hà Tĩnh trong thời gian qua, làm an lòng các nhà đầu tư.

Về phía Quốc hội, tôi đề nghị cần có hình thức văn bản nào đó để tuyên bố, tỏ rõ thái độ của Quốc hội trước hành động gây hấn phi nghĩa của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết và kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

* Đại biểu Trần Khắc Tâm (phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng):

Sức mạnh của chúng ta là chính nghĩa và đoàn kết

Tôi là người dân tộc Hoa nhưng cha ông tôi đã chọn Việt Nam làm Tổ quốc. Tôi sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng trên mảnh đất này. Việt Nam là đất mẹ và Tổ quốc chúng ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy siết chặt tay nhau, không để các thế lực bên ngoài kích động chia rẽ, mà chúng ta đoàn kết một lòng ủng hộ Nhà nước, Chính phủ trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn bờ cõi mà người đứng đầu Chính phủ và người đứng đầu Nhà nước đã nêu rất rõ ràng. Những sự việc bột phát bị kẻ xấu kích động xảy ra vừa qua như ở Bình Dương, Hà Tĩnh là rất đáng tiếc. Chúng ta cũng chưa quên câu chuyện “nạn kiều” những năm 1978-1979, nên lúc này mỗi người Việt Nam cần bình tĩnh, sáng suốt để không tạo cớ cho kẻ xấu lợi dụng. Sức mạnh của chúng ta là chính nghĩa và đoàn kết toàn dân tộc. Bảo vệ được các yếu tố cấu thành sức mạnh đó thì chúng ta không sợ sự gây hấn của bất cứ thế lực nào.

 

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo