Tin tức - Sự kiện

Vấn đề không còn ở lãi suất

Hầu hết các DN nông thủy sản hoạt động tại TP. Cần Thơ đang gặp khó khăn đề nghị các NHTM giữ ổn định hạn mức cho vay đối với các DN xuất khẩu, đặc biệt trong điều kiện các DN xuất khẩu đang gặp khó khăn về hàng rào kỹ thuật và thuế quan của các nước nhập khẩu, tránh trường hợp khi có thông tin bị áp thuế bán phá giá nông sản hoặc các rào cản kỹ thuật khác, các NHTM giảm hạn mức tín dụng sẽ khiến các DN này càng thêm khó khăn về vốn.
Hôm qua (16/4), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình dẫn đầu đoàn NHNN đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND TP. Cần Thơ để tìm ra các giải pháp và giải đáp về những khó khăn, vướng mắc của các DN trên địa bàn.
 
Hầu hết các DN nông thủy sản hoạt động tại TP. Cần Thơ đang gặp khó khăn đề nghị các NHTM giữ ổn định hạn mức cho vay đối với các DN xuất khẩu, đặc biệt trong điều kiện các DN xuất khẩu đang gặp khó khăn về hàng rào kỹ thuật và thuế quan của các nước nhập khẩu, tránh trường hợp khi có thông tin bị áp thuế bán phá giá nông sản hoặc các rào cản kỹ thuật khác, các NHTM giảm hạn mức tín dụng sẽ khiến các DN này càng thêm khó khăn về vốn.
 
Ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch Công ty chế biến thủy sản Nam Hải, cho biết cái khó đối với nhà xuất khẩu thủy sản hiện không phải là lãi suất mà nằm ở đầu ra của thị trường Mỹ và Nhật Bản. Vào tháng 5/2013 Mỹ sẽ đưa ra kết quả về chống trợ cấp đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam, trong khi đó Nhật đang phá giá đồng Yên khiến cho giá xuất khẩu bị đội lên.
 
Một số DN tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu đề nghị NHNN có các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản.
 
Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Cần Thơ cho biết, hiện DN đang trong tình trạng khát vốn trung, dài hạn và lãi suất kỳ hạn này cũng khá cao. Nếu vay vốn kỳ hạn 3 năm với lãi suất 14-15%/năm thì với DN tiểu thủ công nghiệp không thể có lãi chưa kể với các khoản vay trên 15%/năm mà các ngân hàng đang kêu gọi các DN trả nợ cũ để cho vay mới với lãi suất chỉ 11%/năm. Nhưng hiện nay DN không còn tiền để trả nợ ngân hàng.
 
Không dừng lại ở vấn đề vốn và lãi suất, một số DN đề nghị ngân hàng hỗ trợ DN được giao dịch với ngân hàng cả trong những ngày nghỉ, lễ để việc thu mua lúa gạo đạt hiệu quả cao. Bởi hiện nay quy định mới nghỉ lễ ngày một dài hơn, trong khi công việc thu mua lúa, gạo với nhà nông lại không có ngày nghỉ, đặc biệt vào mùa thu mua lúa gạo cần lượng tiền mặt rất lớn.
 
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, từ đầu năm 2013 ngành gạo đang gặp khó khăn, gạo Việt Nam chất lượng cao nhưng giá xuất lại rất thấp trên thị trường quốc tế. “Việc bán gạo không được là do cơ chế của chúng ta đối với nền nông nghiệp còn chưa được chú trọng.
 
Chẳng hạn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với khoảng 17 triệu dân, xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng đầu tư cho nông nghiệp còn quá ít. Một số tỉnh, thành hiện nay đã đưa ra mô hình “cánh đồng mẫu lớn” rất phù hợp cho nông nghiệp. Do vậy, phải có cơ chế tín dụng đặc thù cho nông nghiệp, theo hướng tăng cho vay lĩnh vực nông nghiệp và ưu tiên cho vay với mô hình cánh đồng mẫu lớn”- ông Bình đề nghị.
 
Giải đáp những kiến nghị của các DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng rất tích cực trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cho vay tam nông, đặc biệt đã đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho thu mua lúa gạo.
 
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đánh giá cao mô hình “cánh đồng mẫu lớn” của vùng ĐBSCL. Ông ví von, “mẫu lớn nên mương phải lớn, thu hoạch phải có đường đi, có trạm bơm bơm nước vào”, nghĩa là phải có hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ. Nếu vay vốn ngân hàng với lãi suất hiện nay cần phải có cơ chế chính sách của Chính phủ đi kèm mới có thể đưa mô hình này vào thực tế hiệu quả.
 
Thống đốc NHNN chia sẻ với người sản xuất về tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” đã thành điệp khúc. Nguyên nhân chính do quản lý giá chưa tốt. Ông cũng nhìn nhận ổn định được giá lúa cho nông dân giúp rất lớn cho điều hành vĩ mô do giá lương thực – thực phẩm chiếm đến 40% trong rổ tính chỉ số giá cả, giúp ổn định lạm phát. Thống đốc cho rằng, chủ trương của Chính phủ là đảm bảo cho người nông dân trồng lúa có lãi 30%.
 
Thống đốc cũng nhấn mạnh: hiện nay, NHNN có đủ điều kiện ổn định tỷ giá. Theo đó DN xuất khẩu vẫn tiếp tục được vay ngoại tệ hưởng lãi suất thấp đến hết năm 2013. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng sẽ vào khoảng 10% cả năm 2013 và với việc duy trì lãi suất huy động ít nhất bằng mức hiện nay (7,5%/năm), lãi suất cho vay có thể giảm xuống phổ biến ở mức 10%/năm trong những tháng tới.
 
Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ cho biết, tính đến hết quý I/2013, năm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ) lãi suất hiện giảm về dưới 11%/năm.
 
Những khoản vay có lãi suất trên 15%/năm hiện chỉ còn khoảng 20% trên tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn, trong đó tỷ lệ các khoản vay có lãi suất từ 15%/năm trở lên của khối NHTM Nhà nước trên địa bàn chỉ còn chưa tới 2%. Tuy nhiên, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đang có xu hướng tăng, từ mức 3,58% cuối năm 2012 lên 4,02% vào thời điểm cuối quý I/2013.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo