Vận hành ngày làm việc, buýt nhanh chậm hơn buýt thường?
Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội 1, 2 ngày trước khiến cho nhiều người lạc quan về tương lai của buýt nhanh BRT. Nhưng đến sáng nay, hình ảnh những chiếc ô tô xếp hàng dài dành làn cho xe buýt nhanh đã chỉ còn là trong mơ
Theo trải nghiệm của PV Người lao động vào sáng nay, tuyến xe buýt nhanh 01 xuất phát từ Bến xe Yên Nghĩa lúc 7h30 đến đúng 8h30 mới tới được Bến xe Kim Mã. Như vậy, chuyến xe buýt nhanh còn chậm hơn cả với xe buýt thường mặc dù trên tuyến đường không xảy ra ùn tắc giao thông.
Trên nhiều đoạn đường, có thể dễ dàng nhận thấy buýt nhanh màu xanh bị các phương tiện bao vây. Cảnh lạng lách tạt đầu buýt nhanh vẫn diễn ra. Hà Nội sáng nay không quá đông, không quá tắc, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn vội vã lao lên hè.
Các phương tiện vẫn có thể di chuyển bình thường, nhưng nhiều phương tiện ô tô xe máy vẫn đi vào làn đường riêng dành cho buýt nhanh mặc cho tài xế bấm còi inh ỏi, báo Giao thông đưa tin.
PV Kinh tế đô thị đã phỏng vấn nhanh một hành khách tại nhà chờ xe buýt BRT trên đường Tố Hữu, vị này cho biết: “Chúng tôi rất hứng thú với xe buýt BRT. Hi vọng với cách vận hành trên làn đường riêng, xe buýt BRT sẽ đảm bảo được thời gian vận chuyển nhanh chóng. Thời gian này, lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý các vi phạm lấn làn riêng để việc vận hành xe buýt sớm đi vào nề nếp, ổn định”.
Được biết, tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.
Giai đoạn đầu, 24 xe buýt được đưa vào vận hành, trong đó ngày thường 20 xe, chủ nhật 14 xe, 4 xe dự phòng. Ngày thường, xe hoạt động với tần suất từ 5 đến 15 phút/lượt, chủ nhật từ 7 đến 15 phút/lượt. Thời gian xe mở cửa đón khách từ 5h đến 22h.
Giá vé mỗi lượt 7.000 đồng, sử dụng vé như xe buýt thông thường. Hà Nội miễn phí vé cho hành khách trong tháng đầu hoạt động (đến 31-1-2016).
End of content
Không có tin nào tiếp theo