Câu chuyện văn hóa

Thừa Thiên Huế "chốt" ngày tổ chức lễ hội Điện Huệ Nam

DNVN - Trong khuôn khổ Festival Huế 2022, Lễ hội Điện Huệ Nam sẽ được tổ chức vào hai ngày 2-3/4 (nhằm ngày 2-3/3 năm Nhâm Dần) tại Thánh đường 352 Chi Lăng và điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP. Huế).

Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô 20 Bằng, 10 Án với khoảng 2.000 - 4.000 người tham gia, được chia thành 2 phần chính đó là phần Lễ rước và phần Lễ chính. Trong đó, phần Lễ rước sẽ diễn ra từ 7h ngày 2/4/2022 (ngày 2/3 Âm lịch) gồm 2 đoạn: Đoạn 1 sẽ rước đường bộ từ Thánh đường 352 Chi Lăng đến Nghênh Lương Đình và thực hiện Lễ cáo yết cầu an; đoạn 2 sẽ rước đường sông từ bến Nghinh Lương Đình đến Điện Huệ Nam.

hhh

Lễ Hội Điện Huệ Nam (hay điện Hòn Chén) là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng ba và tháng bảy hàng năm.

Ngay sau phần lễ rước sẽ là phần lễ chính được diễn ra vào cả 2 ngày, ngày 2/4/2022 (ngày 2/3 Âm lịch) và ngày 3/4/2022 (nhằm ngày 3/3 Âm lịch) với nhiều hoạt động trang nghiêm và long trọng như lễ Cung nghinh Thánh Mẫu, Lễ phóng sanh, phóng đăng và cầu nguyện, Lễ Chánh tế, cầu nguyện quốc thái dân an.

Đây là một hoạt động được tổ chức hằng năm mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều người dân lẫn du khách.

Trung tâm Festival Huế sẽ phối hợp với Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam tổ chức lễ rước Thánh bằng đường bộ. Đây là lần đầu tiên, Lễ hội Điện Huệ Nam đưa vào hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu Hội đồng Tứ phủ trên đường bộ, tái hiện và xây dựng một carnival dân gian độc đáo và có quy mô lớn tại Festival Huế 2022.

Lễ Hội Điện Huệ Nam (hay điện Hòn Chén) là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng ba và tháng bảy hàng năm. Hoạt động thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người đến tham dự. Đây cũng được xem là một festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô.

 

Được biết, điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản thuộc xã Hương Thọ, TP Huế (Thừa Thiên Huế). Trên đỉnh núi có một chỗ trũng xuống, đường kính vài mét, nước mưa thường đọng lại, trông giống cái chén đựng nước trong. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, gắn liền với truyền thuyết vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương và một con rùa nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.

Cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác, tín ngưỡng tôn giáo thờ Mẫu ở Điện Hòn Chén góp phần hướng con người sống lương thiện, phân biệt rõ cái thiện và cái ác, biết yêu thương con người và giúp đỡ những người nghèo khổ. Lễ hội truyền thống này đã đưa mọi người đến gần nhau hơn, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây.

 

Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

Ngày nay, điện Hòn Chén được khách thập phương biết đến không chỉ là một di tích tôn giáo mà còn là một di sản văn hóa vô cùng quý giá. Đây cũng là một địa danh phong cảnh hữu tình của xứ Huế mộng mơ.


Hầu Tỷ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo