Tin tức - Sự kiện

Vẫn nơm nớp sống chung với “thần chết”!

Đã qua thời điểm ngày 15-9 - hạn cuối mà 15 cây xăng đặt giữa các khu dân cư trong nội đô Hà Nội không đủ điều kiện kinh doanh, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm phải di dời, theo đề xuất của Sở Công thương, nhưng qua khảo sát của PV Hànộimới trong ngày 16-9, hầu hết vẫn hoạt động nhộn nhịp. Hiện thành phố đang đợi kết quả báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công thương chủ trì, để có quyết định cuối cùng.

Cây xăng số 1 Thành Công vẫn đang hoạt động.

Tìm cách "đối phó" để tiếp tục tồn tại?

Ngày 16-9, ngày làm việc đầu tuần của hơn 30 cán bộ nhân viên Cửa hàng Kinh doanh xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm vẫn diễn ra bình thường. Một nhân viên thu ngân cho biết, Cửa hàng trưởng đang nghỉ phép vì đau chân, còn Cửa hàng phó làm ca đêm nên không biết thời gian nào có mặt để tiếp phóng viên. Về thời điểm 15-9 theo đề xuất của Sở Công thương là hạn di dời cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo và nhiều cây xăng khác, chị nhân viên này xác nhận chưa hề nhận được bất cứ quyết định hay thông báo nào của cơ quan chủ quản, dù trước đó cán bộ, nhân viên ở đây đã chứng kiến cuộc làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố.

Cũng tương tự như cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo, điểm kinh doanh xăng dầu nằm trong danh sách đề xuất di dời tại số 4 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng dường như nhộn nhịp hơn. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Cửa hàng trưởng khẳng định với phóng viên: "Thực tế kiểm tra cửa hàng chỉ vi phạm việc lắp đặt cột thu lôi chưa đạt tiêu chuẩn. Cây xăng số 4 Nguyễn Đình Chiểu tồn tại hàng chục năm, vốn là cửa hàng xăng dầu chất đốt phục vụ nhu cầu của người dân từ thời bao cấp. Thời điểm ra đời cửa hàng, khu vực trên còn trống trải nhưng giờ người dân đã xây nhà ngay sát cây xăng. Đã gắn bó với đơn vị 27 năm nên bà Hồng rất lo lắng cho 13 cán bộ, nhân viên dưới quyền khi cây xăng nằm trong diện phải di dời. Nhưng dường như kết quả kiểm tra liên ngành vừa qua đã khiến bà Hồng thở phào khi cây xăng đủ điều kiện kinh doanh. Một điều kiện duy nhất không đạt yêu cầu mới được đơn vị khắc phục vào đêm 14-9 là xử lý việc cột chống sét từ khoảng cách 3,5m lên 5m.

Tại cây xăng đã "đốt" khá nhiều giấy mực của báo chí - cây xăng 71 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng - hoạt động buôn bán vẫn diễn ra tấp nập. Để tiếp tục được hoạt động, theo Cửa hàng trưởng Trần Thu Hằng, đơn vị đã khắc phục sự cố duy nhất là lắp đặt thêm hệ thống thu hồi hơi kín theo công nghệ mới nhất hiện nay. Trước đó, khi biết tin nằm trong danh sách đề xuất bị "khai tử", bà Hằng và hơn chục nhân viên đã rất lo lắng cho tương lai. "Cứ nói là cây xăng chúng tôi vi phạm các nguyên tắc an toàn như gần khu dân cư… nhưng thực chất cây xăng có diện tích hơn trăm mét vuông hoàn toàn khép kín và biệt lập. Trước đây tường rào quanh cây xăng còn thấp vì xa khu dân cư nhưng nay dân cư tiến sát gần cây xăng, buộc đơn vị phải xây tường cao để bảo đảm an toàn" - bà Hằng phân bua. Cũng theo bà Hằng, khắc phục xong sự cố (giống như một trong những nguyên nhân gây cháy nổ tại Cửa hàng Xăng dầu số 2 Trần Hưng Đạo), cán bộ nhân viên đơn vị hoàn toàn yên tâm công tác. Để bảo đảm quyền lợi người lao động, bà Hằng cho biết: Chúng tôi vẫn biết điều kiện kinh doanh như hiện nay là nguy hiểm nhưng đơn vị vẫn chờ tới lúc di dời khu tập thể Nguyễn Công Trứ theo chủ trương để được bố trí chỗ làm việc mới ổn định hơn".

An toàn là trên hết

Những cây xăng số 1 Láng Hạ, số 463 Đội Cấn, 71 Nguyễn Công Trứ, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, số 1 Thành Công… đều có đặc điểm chung là nằm ngay sát khu dân cư và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào. Để được tiếp nhiên liệu tại những cây xăng trên, ô tô và xe máy phải chen nhau, trèo cả lên vỉa hè. Chính vì thế không ngạc nhiên khi những cây xăng trên đều nằm trong danh sách 45 cây xăng bị đề xuất "khai tử" mà đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công thương chủ trì làm việc suốt tuần vừa qua.

Sự tồn tại của những "quả bom xăng" này gây bức xúc không nhỏ trong dân cư. Qua tìm hiểu, được biết bà con tổ dân phố số 40, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng trong nhiều năm qua đã liên tục gửi đơn kiến nghị phải di dời cây xăng 71 Nguyễn Công Trứ mà chưa được chấp thuận. Cứ vào khoảng 9h tối hằng ngày, khi cửa hàng 71 Nguyễn Công Trứ nhập xăng thì toàn bộ không gian khu nhà H1 đằng sau và những khu nhà gần đó hứng trọn mùi khí độc hại. Ông Ngô Minh Tân, tổ trưởng tổ dân phố 40 cho biết, mùi xăng xộc thẳng vào nhà mỗi ngày dù có trang bị nhiều lớp kính khiến người lớn, trẻ con đều không chịu nổi.

Tổ dân phố số 26 phường Lê Đại Hành nằm sát ngay cây xăng số 4 Nguyễn Đình Chiểu cũng nhiều lần kiến nghị di dời cây xăng có vị trí án ngữ như lô cốt trên hè phố đi nơi khác mà chưa được chấp thuận. Ông Nguyễn Thanh Hưng, tổ trưởng tổ dân phố 26 bức xúc, lần nào họp bà con cũng có đơn kiến nghị gửi các cấp, các ngành thành phố, nhưng mong ngóng mãi mà chưa thấy "quả bom nổ chậm" nằm ngay sát khu dân cư được di dời.

Sau vụ việc xảy ra cháy nghiêm trọng tại cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo, kết quả kiểm tra đối với 52 cây xăng trong địa bàn 10 quận nội đô vào thời điểm tháng 6-2013 của Sở Công thương cho thấy, chỉ có 7 cây xăng bảo đảm điều kiện kinh doanh, 30 cây xăng cần phải khắc phục một số điều kiện để được kinh doanh và có 15 cây xăng phải di chuyển, dỡ bỏ do không đủ điều kiện. Trong tổng số 441/448 cửa hàng xăng dầu đã kiểm tra, có 45 cửa hàng không bảo đảm các điều kiện về phòng chống cháy nổ, hơn 300 cây xăng cần phải khắc phục một số điều kiện để tiếp tục được kinh doanh. Hiện lãnh đạo Sở Công thương đã kiến nghị với UBND TP Hà Nội rà soát mạng lưới kinh doanh xăng dầu và quỹ đất hiện có để có thể cho bổ sung thêm những điểm kinh doanh xăng dầu mới nếu có đủ các điều kiện. Trao đổi với PV Hànộimới, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện đoàn kiểm tra liên ngành đã hoàn tất báo cáo trình UBND thành phố để có quyết định cuối cùng liên quan đến sự tồn tại của 45 cây xăng nằm trong danh sách kiểm tra vừa qua. Lãnh đạo Công ty Xăng dầu khu vực I - đơn vị chủ quản nhiều cây xăng trong diện di dời cho biết, trong nhiều ngày qua công ty cũng theo đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành để tìm cách khắc phục. Điều đơn vị lo lắng nhất là việc bố trí địa điểm mới và bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi cây xăng buộc phải di dời. Với những cây xăng thuộc quyền quản lý có sai phạm, đơn vị sẽ kiên quyết phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan rút giấy phép kinh doanh.

Trong khi các cơ quan chức năng chưa có quyết định cuối cùng thì tính mạng của hàng vạn người dân sống xung quanh các "quả bom xăng" vẫn bị đe dọa từng giờ.

 

Cuộc họp của Sở Công thương Hà Nội với đại diện 45 cây xăng không đủ điều kiện kinh doanh vào ngày 6-9 vừa qua đã thống nhất nội dung: Đến ngày 15-9 sẽ có nhiều cây xăng buộc phải di dời vì không bảo đảm các điều kiện về môi trường kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ. Sở Công thương cũng đề xuất với UBND thành phố ra quyết định di dời 15 cây xăng, đều nằm sát khu dân cư, không bảo đảm an toàn cháy nổ; diện tích quá hẹp hay nằm ở các điểm nút giao thông quan trọng bao gồm: Cây xăng tại số 9 Trần Hưng Đạo; số 249 Thụy Khuê; số 276 Thụy Khuê; số 22 Vạn Phúc (Hà Đông); số 8 Ba La (Hà Đông); cây xăng Quyết Tiến, Dương Nội (Hà Đông); số 484 Minh Khai; số 4 Nguyễn Đình Chiểu; số 29 Tạ Quang Bửu; số 1 Láng Hạ; số 463 Đội Cấn; số 179 Đê La Thành; số 171 Trường Chinh; số 313 Trường Chinh; số 7 ngõ 64 Kim Giang.
Theo Hà Nội mới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo