Vàng giảm mạnh vẫn cao hơn thế giới gần 4 triệu đồng
Giá vàng lao dốc, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2011 với giá bán ra còn 35,23 triệu đồng/lượng, người dân có xu hướng đổ xô đi bán vàng để cắt lỗ. Tuy nhiên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/11, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng mua vào, bán ra lần lượt là 35,15 triệu đồng/lượng và 35,23 triệu đồng/lượng.
Tính trong vòng một tuần qua giá vàng trong nước đã bốc hơi 1,28 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với mức đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng, mỗi lượng vàng đã mất gần 14 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm 10 USD/ounce, tương đương 255.000 đồng/lượng, xuống mức 1.231,5 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC lại giảm đến 710.000 đồng/lượng.
Sau cú giảm này, chênh lệch giá vàng trong nước thế giới rút ngắn còn 3,88 triệu đồng/lượng.
Đây là lần hiếm hoi giá vàng trong nước giảm mạnh hơn giá vàng thế giới. Lý giải về điều này, các công ty vàng cho rằng lực bán trên thị trường tăng vọt vào chiều 25/11 do phần lớn phân tích đều theo hướng giá vàng trong nước và thế giới còn giảm mạnh hơn, đặc biệt khi nhiều thị trường quan trọng như Mỹ và châu Âu sắp bước vào kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 71 phiên đấu thầu vàng, bán ra 1.740.500 lượng vàng, tương đương gần 65,3 tấn vàng trên tổng số 1.852.000 lượng vàng, tương đương gần 69,5 tấn vàng chào thầu. Hầu hết các lần đấu thầu vàng gần đây, vàng đều ế từ 200-400 lượng.
Công bố của NHNN vào đầu tháng 9/2013 cho biết, sau 57 phiên đấu thầu, khoản chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá thế giới ước tới gần 6.500 tỷ đồng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, sứ mệnh bóc tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã hoàn thành, nên NHNN cần trả vàng về cho thị trường, cho phép doanh nghiệp được xuất nhập khẩu vàng và NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát.
“Nếu NHNN đứng ra nhập khẩu và đấu thầu vàng, có nghĩa là NHNN là người phải gánh chịu rủi ro. NHNN không đáng bị rủi ro như vậy. Hơn nữa, nếu cho phép doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp, dẫn đến đầu cơ giảm, thị trường sẽ ổn định”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trước sau gì NHNN cũng sẽ phải chuyển chức năng kinh doanh vàng cho thị trường.
“Trao vàng cho thị trường là không thể tránh. NHNN không nên độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng. Nếu doanh nghiệp sản xuất thì không sao, nhưng NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng có nghĩa là NHNN xem vàng là tiền. Điều này rất nguy hiểm, cần tính toán lại”, ông Lịch nói.
Không nằm ngoài quy luật từ trước đến nay, mỗi khi giá vàng tăng, dân đổ xô đi mua vàng , giá vàng giảm lại ồ ạt mang bán. Ghi nhận tại các cửa hàng vàng tại Hà Nội, giao dịch tăng gấp rưỡi thậm chí gấp đôi so với tuần trước.
Bà Bùi Thị Thúy – Phó giám đốc Kinh doanh (Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu) cho biết, so với tuần trước lượng khách giao dịch đầu tuần này tăng gấp 1,5 lần. Còn đại diện Tập đoàn Doji chia sẻ, tính tới chiều 25/11 lượng khách tới giao dịch tại các đại lý của tập đoàn tăng gấp đôi so với tuần trước.
Trong số đó, lượng người bán chiếm đa số, trung bình 10 khách tới giao dịch thì chỉ có 1 khách mua vào, còn lại là dốc vàng trong túi đem bán cắt lỗ.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Cột tin quảng cáo