Vàng miếng phi SJC bất ngờ lãi lớn
Giao dịch sôi động
Chiều 13/4, chị Thu Nga (Đốc Ngữ, Ba Đình) vừa mua nawm cây vàng thương hiệu vàng Rồng Thăng Long với giá 43 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng miếng SJC bán ra cùng thời điểm là 43,4 triệu đồng/lượng. Chị Nga cho biết: “Nhà nước vẫn cho mua bán các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC nên nhà đầu tư chỉ cần mua vàng nào thấy có lãi thì mua. Với số lượng năm cây vàng tôi cũng giảm được gần hai triệu đồng so với vàng SJC cùng thời điểm”.
Ông Vũ Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng: “Mấy ngày này giao dịch vàng miếng thương hiệu vàng Rồng Thăng Long sôi động hơn, bởi tâm lý người dân yên tâm hơn. Số người đi bán vàng giảm đi và số người đi mua vào tăng đáng kể.
Do quy luật cung cầu, trước đây Bảo Tín bán vàng miếng rẻ hơn thương hiệu SJC hơn một triệu đồng/lượng là giá bán buôn. Nay khách hàng quay trở lại, thì doanh nghiệp phải đẩy giá vàng tăng cao sát giá SJC”.
Theo ông Châu, ở đây không có chuyện Ngân hàng Nhà nước bù giá cho các thương hiệu vàng không phải SJC, mà giá vàng các thương hiệu khác tăng là theo quy luật cung cầu và doanh nghiệp tự điều tiết. Trong ngày, đại diện cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông ghi nhận, lượng vàng miếng vàng Rồng Thăng Long bán ra hơn 1.000 lượng.
Bà Nguyễn Thị Cúc- Phó Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho hay: “Cuối ngày 13/4, giá vàng miếng thương hiệu PNJ chỉ thấp hơn giá vàng SJC 50.000 đồng/lượng bán ra còn chiều mua vào bằng nhau. Chủ trương của chúng tôi nhất quán giữ giá vàng miếng PNJ gần tương đương SJC. Giao dịch trong ngày bán ra khoảng 700 lượng vàng PNJ”.
Doanh nghiệp kiếm lợi nhuận khổng lồ
Ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) phân tích, hiện nay các doanh nghiệp kinh doang vàng miếng ngoài SJC đã ngừng sản xuất, nên số lượng vàng miếng thương hiệu khác trên thị trường rất ít. Các doanh nghiệp chỉ mua lại vàng của mình và bán cho người dân để ăn chênh lệch giá, nên hiện nay các doanh nghiệp đó tự đẩy giá lên.
“Việc giá vàng ngoài SJC tăng mạnh phần nhiều do thông tin được chuyển đổi vàng miếng sang SJC, khiến người dân đổ xô đi mua, nên doanh nghiệp đương nhiên sẽ tăng giá”, ông Tường nói.
Theo ông Tường, bất kể doanh nghiệp vàng nào cũng có những phương án tránh rủi ro cho mình. Kể cả với SJC, có thời điểm không cân bằng được lượng mua vào bán ra thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ lỗ. Nhưng phần lỗ sẽ được bù cho những thời điểm thị trường sôi động lúc giá cao. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng ngoài SJC đang hưởng lãi cao khi đẩy giá lên.
Còn ông Nguyễn Thanh Trúc-Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Agribank, nơi sở hữu thương hiệu vàng AAA cho hay: “Nhà nước có chủ trương bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên vẫn cho phép kinh doanh một số thương hiệu vàng miếng khác như: AAA, SBJ, PNJ, vàng Rồng Thăng Long và được chuyển đổi sang SJC.
Thông tin này lập tức khiến giá vàng các thương hiệu khác tăng sát giá vàng SJC. Đây cũng là xu hướng tất yếu bởi chất lượng vàng tương đương nhau. Khoảng cách hiện nay giữa giá vàng AAA với SJC chỉ khoảng 500.000 đồng/lượng bán ra. Nếu thị trường tốt thì khoảng cách này sẽ tiếp tục thu hẹp lại”.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng