Thị trường

Vàng trang sức: Bát nháo và khó quản?!

Trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng vàng, giá bán ở Việt Nam không phải là không được nhưng sẽ rất khó khăn. Thống kê chưa đầy đủ thì hiện Việt Nam có khoảng hơn 12.000 cơ sở kinh doanh vàng.
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 Quy định về Quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Liệu “cây gậy” này có đủ “chiêu” để trấn áp thị trường vàng trang sức mỹ nghệ vốn được xem là khá bát nháo từ trước đến giờ.

Thả nổi giá và chất lượng

Trong vai người đi bán một nhẫn vàng, Phóng viên mang chiếc nhẫn vàng 99,99% đến một tiệm vàng lớn ở Gò Vấp để cân thì chiếc nhẫn vàng này chỉ còn 97% và giá mua cũng mất gần 5% so với giá vàng 99,99% tại đây. Vẫn với nhu cầu bán nhẫn PV mang đến một loạt cửa hàng. Câu trả lời diễn ra tương tự .

Tại một Trung tâm kinh doanh trang sức của Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), các nhân viên ở đây cho biết chỉ mua vàng sau khi được cân lại, có như vậy mới đưa ra giá mua được. Tuy nhiên đối với thương hiệu vàng trang sức do chính PNJ sản xuất, không cần phải cân đo lại.

Thực tế, tuy được gọi là vàng trang sức nhưng phần lớn người mua vàng chủ yếu dùng để tích trữ chứ không đơn thuần là mua phục vụ làm trang sức như tên gọi của nó. Vì vậy, muốn đảm bảo giá trị, thông thường người mua phải chọn phương án “mua đâu bán đó”. Còn nếu mua bán ở hai địa điểm khác nhau thì chắc chắn sẽ phải chịu thiệt thòi với giá bán thấp hơn khá nhiều.

Phổ biến nữa là vàng nữ trang của các thương hiệu vàng khác nhau, giá cả có sự chênh lệch đáng kể. Mức chênh lệch này không bao gồm công chế tác mà chỉ tính riêng khối lượng, chất lượng vàng chế tác. Chẳng hạn, tại ngày 30/11, vàng nhẫn nữ trang 24K bán ra được PNJ niêm yết là 3.300.000 đồng/chỉ, còn vàng DOJI là 3.331.000 đồng/chỉ. Trong khi đó, cùng loại này giá vàng tại một tiệm vàng khá nổi tiếng tại TP HCM chỉ có 3.240.000 đồng/chỉ.Tại các tiệm vàng nhỏ hơn giá giao động từ 3.100.000 đến 3.200.000 đồng/chỉ.

Như vậy, giá vàng cùng loại giữa các tiệm vàng khác nhau đã có sự chênh lệch lên đến hàng trăm nghìn đồng mỗi chỉ vàng. Lý giải điều này, một nhân viên bán hàng của PNJ cho biết là giá vàng PNJ cao hơn bên ngoài vì vàng ở đây đảm bảo 99,9% trở lên, trong khi đó các tiệm vàng bên ngoài thông thường chỉ có 95%. Do vậy, họ có thể bán được với giá thấp.

Có dễ chấn chỉnh?

Thông tư 22 được xem như cú hích lần đầu của Việt Nam khi ban hành hệ thống tiêu chuẩn về đo lường và chất lượng vàng trang sức. Tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư, bà Võ Đình Liên Ngọc, Trưởng phòng quản lý đo lường chất lượng thuộc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học công nghệ TP HCM cũng khẳng định: “Trước đây có nhiều quy định về đo lường, kiểm tra chất lượng vàng nhưng do có nhiều văn bản và không thống nhất, nên mỗi đơn vị thực hiện mỗi kiểu khiến cho việc thanh tra, xử phạt gặp khó khăn. Do đó thông tư này ra đời sẽ giảm bớt hiện tượng vàng không đủ tuổi lưu thông trên thị trường.

“Việc ra đời của Thông tư 22 được kỳ vọng sẽ có thêm cơ sở để siết lại hoạt động buôn bán và chế tác vàng trang sức. Một khi tiêu chuẩn được thống nhất và việc kiểm soát kỹ lưỡng hơn sẽ hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay”- Một cán bộ trong ngành đo lường nói.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng không dễ biến thành hiện thực trong một thời gian ngắn.Tại một hội nghị gần đây, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Quận 8 cho rằng ngay các cơ sở đo lường cũng không đồng nhất. Theo vị này, cân của đơn vị ông được kiểm định dán tem định kỳ từ Chi cục đo lường chất lượng thành phố nhưng mỗi khi thanh kiểm tra lại được giám định bằng một loại cân khác dẫn đến sai số rất lớn.

Trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng vàng, giá bán ở Việt Nam không phải là không được nhưng sẽ rất khó khăn. Thống kê chưa đầy đủ thì hiện Việt Nam có khoảng hơn 12.000 cơ sở kinh doanh vàng. Trong đó có những cửa hàng đã gắn thành nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm. Các cơ sở kinh doanh vàng rải rác khắp nơi với hàng nghìn thương hiệu vàng trang sức lớn nhỏ. 

“Việc chuẩn hóa quy định là cần thiết nhưng kiểm soát nó ở quy mô lớn như vậy lại không dễ. Dù Thông tư 22 có hiệu lực thì tình trạng “bát nháo” vàng trang sức như hiện nay cũng khó khắc phục trong một sớm một chiều”- Một doanh nghiệp kinh doanh vàng nhận xét.

“Thống kê của Hội đồng vàng, Việt Nam là nước hàng đầu về tiêu thụ vàng trên thế giới, riêng vàng trang sức mỗi năm tiêu thụ 20-30 tấn. Hiện tại cả nước có hàng chục nghìn cơ sở chế tác và kinh doanh vàng trang sức với chất lượng lượng vẫn đang bị thả nổi. Với thời gian có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, Thông tư 22 liệu có dễ dàng chấn chỉnh?  

Một chuyên gia về vàng

 


 

 

 

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo