Phân tích

Vào TPP, ngành dệt may gặp khó ở khâu nguyên liệu sản xuất

(DNVN) - Theo nhận định của đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), với yêu cầu của TPP, áp dụng nguyên tắc “từ sợi trở đi” thì Việt Nam khó có thể đáp ứng được do ngành may mặc và da giầy của Việt Nam bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc là nước không tham gia TPP.

Ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên.

Doanh nghiệp cần phải hiểu và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác (vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật…) mới có thể tận dụng được các ưu đãi về thuế quan.

Đánh giá thuận lợi và khó khăn về mặt quy tắc xuất xứ các mặt hàng được quy định trong Hiệp định TPP, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những nội dung quan trọng của các FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của các nước thành viên với nhau. 

Đối với những nước có nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam, lợi ích chủ yếu và trực tiếp mà Việt Nam có thể hy vọng từ việc ký FTA với các đối tác là ở việc các đối tác sẽ loại bỏ thuế quan cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, việc loại bỏ thuế quan cho các đối tác trong FTA chỉ áp dụng đối với “hàng hóa có xuất xứ từ đối tác FTA”. 

Nếu các quy định về quy tắc xuất xứ không phù hợp với tình hình sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào của nước xuất khẩu thì hàng hóa nước đó sẽ khó đáp ứng được các điều kiện để được coi là “có xuất xứ” phù hợp và do đó sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. 

Trong các trường hợp như vậy, lợi ích lý thuyết mà nước xuất khẩu hy vọng có được từ FTA sẽ bị vô hiệu hóa bởi các quy tắc xuất xứ hàng hóa không hợp lý này. Vì vậy, quy tắc xuất xứ là một nội dung quan trọng trong bất kỳ FTA nào.

Tương tự các FTA khác, quy tắc xuất xứ là một trong những yêu cầu quan trọng của TPP. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP được hiểu là: Các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối”. 

 

Hiệp định TPP cũng quy định về nguyên tắc “cộng gộp” để các nguyên liệu đầu vào từ một bên TPP được đối xử bình đẳng như những nguyên liệu từ một bên TPP bất kỳ. Các bên tham gia TPP cũng đưa ra các quy tắc để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể hoạt động một cách dễ dàng xuyên khu vực TPP thông qua việc thiết lập một hệ thống chung trên toàn khu vực về chứng minh và kiểm tra xuất xứ hàng hóa TPP. Như vậy, những ngành nào, sản phẩm nào, sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba, ngoài thành viên TPP đều không được hưởng các ưu đãi thuế suất.

Đối với Việt Nam, quy tắc xuất xứ nội khối tạo nên sức ép, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường thu hút FDI, là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu trong nước hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên TPP.

Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là hàng may mặc, da giầy và nông hải sản. Hàng nông hải sản của Việt Nam tự sản xuất tương đối tốt, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải sử dụng phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật cho đúng cách để vượt qua hàng rào kiểm soát của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. 

Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc và da giầy, Việt Nam còn vướng mắc ở khâu nguyên liệu sản xuất. Với yêu cầu của TPP, áp dụng nguyên tắc “từ sợi trở đi” thì Việt Nam khó có thể đáp ứng được do ngành may mặc và da giầy của Việt Nam bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc là nước không tham gia TPP. 

Tuy nhiên, theo cam kết cuối cùng của TPP, “cơ chế nguồn cung thiếu hụt” cũng cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực nên đây cũng là một trong những thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam cơ cấu lại nguồn nguyên liệu. Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%; Hàn Quốc 16,97%; EU 5,8%. Tuy nhiên, 03 đối tác trong TPP tương lai là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, tương ứng là 4,76%; 5,59% và 0,87%. Nếu tình trạng này không được cải thiện, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các đối tác TPP sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%, trước hết là hàng may mặc và da giầy. Điều này sẽ rất bất lợi cho Việt Nam. 

 

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quy tắc xuất xứ của TPP vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nếu vượt qua được thách thức, khai thác được cơ hội, Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi thực trạng là một nước gia công giản đơn, chủ yếu là sử dụng lao động giá rẻ.

Trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN, đối với hầu hết các mặt hàng thì 2015 là năm cuối để thực hiện việc cắt giảm các dòng thuế về 0%, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp cần biết chúng ta đang mở cửa đến đâu để có lộ trình chuẩn bị nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức. 

Khi tham gia TPP, các mức thuế sẽ về 0% nhưng đối với từng mặt hàng sẽ có các quy tắc xuất xứ riêng. Do đó, bên cạnh việc tìm hiểu lộ trình cắt giảm thuế trong các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cần phải hiểu và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác (vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật…) mới có thể tận dụng được các ưu đãi về thuế quan.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo