Vay càng nhiều tiền sẽ chịu thuế càng cao
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được tính trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp và của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TNDN hiện hành không có quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (tình trạng vốn mỏng, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất ít).
Trong khi đó, thực tế nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách (công tác quản lý thu cho thấy vừa qua có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
"Qua xem xét Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ của doanh nghiệp một phần do chi phí tài chính (chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài) quá lớn, thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm)", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cũng dẫn chứng thêm, thống kê sơ bộ số liệu của 57/85 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu cho thấy tình hình dư nợ vay bình quân trên vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014 như sau: có 02 doanh nghiệp có hệ số lớn hơn 5 (01 đơn vị xây dựng và 01 đơn vị kinh doanh xăng dầu), 6 doanh nghiệp có hệ số từ 3 đến 5 (chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng) và 49 doanh nghiệp có hệ số nhỏ hơn 3.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo số liệu tổng hợp 9.400 doanh nghiệp FDI cả nước với tổng tài sản khoảng 2.205.068 tỷ đồng (khoảng 105 tỷ USD) chiếm tỷ trọng 70% doanh nghiệp FDI cả nước còn hoạt động cho thấy hệ số Nợ/Vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần; của ngành thương mại là 3,44 lần. Nếu xét trên chỉ tiêu Vốn vay/Vốn chủ sở hữu thì hệ số này của tất cả các các ngành là 0,57 lần, của ngành thương mại là 1,8 lần.
Cũng theo Bộ Tài chính, riêng đối với lĩnh vực tài chính, tín dụng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (vốn tự có/ tổng tài sản có rủi ro tối thiểu phải đạt 9%).
Dẫn chứng thêm, Bộ Tài chính cho biết, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1.
Trên thực tế, đa số các nước như Đài Loan, New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3:1 thì được coi là vốn mỏng; ở một số nước phát triển quy định tỷ lệ thấp hơn như Canada là 2:1, Pháp, Mỹ là 1,5:1, thậm chí tỷ lệ này ở Venezuela là 1:1; một số nước tỷ lệ này còn phân biệt theo đối tượng, ví dụ Trung Quốc quy định tỷ lệ 2:1 đối với doanh nghiệp thông thường, 5:1 đối với các tổ chức tài chính; Nga quy định tỷ lệ 3:1 đối với doanh nghiệp thông thường và tỷ lệ 12,5:1 đối với ngân hàng và các tổ chức tài chính; Hàn Quốc quy định tỷ lệ 3:1 nếu vay của các cổ đông nước ngoài và tỷ lệ 6:1 đối với các tổ chức tài chính.
"Theo đó, phần lãi vay phải trả vượt quá tỷ lệ được coi là vốn mỏng thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN", Bộ Tài chính cho biết.
Trên cơ sở đó, theo Bộ Tài chính, để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp, của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá cần bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại, đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.
Như vậy, nếu dự thảo Luật này của Bộ Tài chính được thông qua, những doanh nghiệp vay vốn kinh doanh gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu sẽ phải nộp thuế nhiều hơn do không được trừ chi phí với các khoản vay vượt định mức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo