Vay nợ để trả nợ: Việt Nam đang cố "giật gấu vá vai"!
Nhiều ý kiến lo ngại gánh nặng nợ ngày càng nặng thêm trong khi dòng tiền vay thêm lại không quay vòng vào sản xuất. Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Vay nợ để trả nợ là biện pháp tạm thời trước mắt".
"Hiện nay việc vay nước ngoài khoảng 50% số nợ dài hạn còn 50% vay ở trong nước. Trong nước vay ngắn hạn nên tình trạng đảo nợ rất cần thiết", ông Bùi Đặng Dũng nói.
Trước lo ngại này, dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: việc vay đảo nợ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ song ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: rất khó để nói đến bao giờ chấm dứt việc đi vay về trả nợ.
Ông Bùi Đặng Dũng ví von: Cứ hình dung mỗi ngày ngủ dậy Ngân sách nhà nước thu vào khoảng gần 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên con số chi cũng tương tự như vậy. Hiện nay tình hình ngân sách rất khó khăn mà Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên cần rất nhiều tiền để xây dựng phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt trước tình hình Biển Đông hiện nay Ủy ban tài chính ngân sách đã tham mưu trình ra Quốc hội chi 16.000 tỉ đồng cho việc kiểm ngư, cảnh sát biển...
Đi vay để trả nợ, nợ công càng nặng
Câu chuyện vay nợ không phải là bất thường đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng vấn đề đang được đặt ra ở đây là nợ công của Việt Nam vượt con số 80 tỉ USD, với tổng dư nợ cả năm chiếm 53,4% GDP.
Bà Lê Thị Công, đại biểu QH đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu lo ngại: theo kế hoạch năm 2014, số chi nợ công chiếm gần 21% tổng chi NSNN trong khi số chi thường xuyên xấp xỉ 90% tổng thu ngân sách dự toán, làm sao đủ trả nợ chưa kể chi đầu tư phát triển? Như vậy, với tình trạng vay để trả nợ thì nợ công có thực sự an toàn hay không?
Theo Bộ Tài chính, trong cơ cấu nợ công hiện nay, có 50% là nợ nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp với thời hạn trả nợ còn lại là 14 -15 năm. 50% khoản còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác với thời hạn ngắn (chỉ 2, 3 và 5 năm). Tính bình quân, 30% vốn huy động trong nước đang ở thời gian trả nợ từ 1- 3 năm.
"Đây thực sự là vấn đề hệ trọng cần phải có giải pháp cơ cấu lại. Cuối năm 2013, đầu năm 2014 Bộ Tài chính đã báo cáo Chính Phủ thực hiện các giải pháp cơ cấu này. Theo đó, Chính phủ đã thực hiện tăng dần tỷ trọng của số trái phiếu Chính phủ có thời hạn 5 năm, 10 năm và có thêm một số đợt phát hành thời hạn 15 năm. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã huy động được trên 150.000 tỷ nhưng thời hạn vay ngắn (1, 3, 5, 10 năm) và nghĩa vụ trả nợ sẽ “dồn cục” vào năm 2016, 2017", Bộ trưởng Bộ Tài chính diễn giải.
Bộ Tài chính cũng đưa ra con số nợ vay về cho vay lại của Việt Nam hiện là 6,9% GDP. Năm 2014, rút vốn của Chính phủ là 96.000 tỷ đồng và cho vay lại khoảng 60.000 tỷ. Năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 760.000 tỷ, số dư cho vay lại là 266.000 tỷ.
Theo ông Bùi Đặng Dũng: "Trước tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, Ủy ban phải tăng cường giám sát các nguồn vốn đi vay. Luật ngân sách đã quy định rõ ràng là vay về chỉ dùng cho đầu tư và phát triển chứ chi cho thường xuyên hay trả lương là không được phép".
Tuy nhiên ông Dũng cũng hiểu một thực tế, trong hoàn cảnh "tiền vào nhà khó" thì cũng khó mà lường trước được hết khi nợ thì nhiều và dòng tiền không được quay vòng vào sản xuất sẽ rơi vào tình trạng gánh nặng nợ sẽ nặng thêm.
"Do vậy dù đã cảnh báo nhưng Ủy ban vẫn tăng cường giám sát để đồng vốn được sử dụng hiệu quả", ông Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo