VDPF hướng tới tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh mới của quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, Chính phủ và các đối tác phát triển đã thống nhất định hướng chung của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) được tổ chức vào ngày mai (5/12) tại Hà Nội là “Xây dựng quan hệ đối tác mới: Hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện”. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi về sự kiện lần đầu tiên diễn ra này.
Thưa Bộ trưởng, năm nay, lần đầu tiên Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) sẽ được tổ chức thay cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) trước đây. Xin Bộ trưởng cho biết vì sao có sự thay đổi như vậy?
Trong thời gian qua, Hội nghị CG đã được tổ chức như một diễn đàn thường niên đối thoại về chính sách phát triển của Chính phủ, hợp tác phát triển và quan hệ đối tác với các nhà tài trợ, định hướng ưu tiên huy động và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Hội nghị CG cũng là diễn đàn để các nhà tài trợ thông báo các khoản cam kết ODA cho Việt Nam.
Trong 20 năm qua, từ năm 1993-2012, tổng vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,195 tỷ USD, trong đó ký kết đạt 56,05 tỷ USD, chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,59 tỷ USD, chiếm 66,92% số vốn ODA đã được ký kết.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Quan hệ hợp tác phát triển với các đối tác phát triển của Việt Nam đã và sẽ có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thay đổi của viện trợ toàn cầu, cũng như ở Việt Nam.
Vì vậy, Chính phủ và các nhà tài trợ đã nhất trí đổi mới Hội nghị CG theo hướng là một diễn đàn đối thoại mở rộng, với sự tham dự của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam, với tên gọi Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).
Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu của VDPF là gì?
VDPF có 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất là đối thoại chính sách, theo đó VDPF tập trung đối thoại thực chất và sâu sắc hơn về ưu tiên phát triển, cũng như các thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước và quan hệ hợp tác phát triển.
Với mục đích tập trung vào đối thoại chính sách hiệu quả hơn, chương trình nghị sự của VDPF sẽ không bao gồm nội dung thảo luận và cam kết vốn ODA như các hội nghị CG trước đây. Sự cam kết hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ vẫn là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển và sẽ được thảo luận, cam kết tại các diễn đàn đối thoại song phương hoặc các diễn đàn khác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển.
Thứ hai là định hướng hoạt động và thực hiện chính sách. Trên cơ sở nội dung và kết quả đối thoại chính sách theo chủ đề của VDPF, Chính phủ và các đối tác phát triển thống nhất các lĩnh vực ưu tiên, định hướng hoạt động và giải pháp thực hiện các chính sách của Chính phủ và các đối tác phát triển, sự phối hợp giữa Chính phủ và các đối tác phát triển.
Thứ ba, VDPF là diễn đàn của tất cả các đối tác phát triển. VDPF được mở rộng là một diễn đàn đa phương, gồm tất cả các đối tác phát triển tham gia quá trình hoạch định, thực thi chính sách và hợp tác phát triển ở Việt Nam, với cơ cấu thành phần tham dự VDPF mở rộng, bao gồm đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các nhà tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước, khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu.
Nội dung chính của VDPF năm 2013 là gì, thưa Bộ trưởng?
Phù hợp với định hướng và mục tiêu tổng quát trong 2 năm còn lại của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trong bối cảnh mới của quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, Chính phủ và các đối tác phát triển đã thống nhất định hướng chung của VDPF là “Xây dựng quan hệ đối tác mới: Hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện”.
Chủ đề tổng quát của VDPF 2013 là: “Duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, với hai nhóm chủ đề chính là “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” và “Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công (tập trung vào lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường)”. Hai nhóm chủ đề kỹ thuật của VDPF 2013 là “Quản lý môi trường” và “Đào tạo nghề và tăng cường kỹ năng”.
Vì sao VDPF 2013 chọn hai nhóm chủ đề chính trên?
Như chúng ta đã biết, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và nước ta đã được Liên hiệp quốc ghi nhận là một trong các nước có thành tựu giảm nghèo ấn tượng nhất trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức to lớn về giảm nghèo bền vững, không đồng đều, đặc biệt đối với nhóm người dân tộc thiểu số. Vì vậy, VDPF 2013 sẽ tập trung thảo luận về định hướng, giải pháp giảm nghèo bền vững và các lĩnh vực ưu tiên giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số.
Thứ hai, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn và đô thị, song vẫn còn gặp nhiều thách thức trong nỗ lực mở rộng độ bao phủ, cung cấp dịch vụ một cách bền vững và có hiệu quả, đảm bảo chất lượng dịch vụ, sử dụng các mô hình quản lý tốt và có một cơ chế vận hành, bảo dưỡng lâu dài.
Tuy Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, song Chính phủ cũng nhận thức rằng, có nhiều dư địa để khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ. Chất lượng dịch vụ có thể được cải thiện, nếu có thêm sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước về tài chính cũng như cung cấp dịch vụ. Vì vậy, những thách thức, bất cập trong việc khu vực tư nhân tiếp cận, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường sẽ được tập trung thảo luận như một chủ đề chính của VDPF 2013.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’
Giải pháp năng lượng xanh cho Đồng bằng sông Cửu Long
Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện đề án Khu thương mại tự do trình Chính phủ
Quảng Nam: Làng rau Trà Quế được công nhận “Làng du lịch tốt nhất” năm 2024
Cột tin quảng cáo