Chứng khoán

Vì đâu nhà đầu tư nước ngoài vắng bóng tại các vụ IPO?

Một loạt các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) kể từ đầu năm 2014, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài gần như lảng tránh.

Điều này có thể gây trở ngại cho mục tiêu cổ phần hóa hơn 200 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay và xa hơn là chương trình cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp từ nay đến năm 2015.

Thực trạng

Trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2014 của Bộ Tài chính, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết trong quý 1 mới có 15 doanh nghiệp được cổ phần hóa, quả là một con số khiêm tốn so với mục tiêu của cả năm.

Còn theo thống kê, tính đến ngày 17/4 mới có 33 công ty thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, trong số đó có rất nhiều tổng công ty (TCT) với quy mô vốn lớn như TCT Viglacera, TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Công nghiệp Ô tô Việt Nam, TCT Viwaseen, các TCT Xây dựng Công trình Giao thông, TCT Xây dựng Thăng Long, TCT Xây dựng Bạch Đằng.

Tuy nhiên, những thương hiệu có tên tuổi đó dường như không có mấy sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia vào một vụ IPO của Tổng công ty Viglacera, và mua thành công 10,1 triệu cổ phần trong tổng số 76,9 triệu cổ phần được cháo bán.

Thực tế đó trên thị trường sơ cấp có vẻ trái ngược với thị trường thứ cấp, khi nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng mua ròng cổ phiếu với giá trị lớn trên hai sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, góp phần giúp chứng khoán Việt Nam đứng trong tốp những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm nay.

Tính đến ngày 17/4, khối ngoại đã mua ròng cổ phiếu với giá trị 2.044,7 tỷ đồng trên thị trường niêm yết, trong đó có tới 2.042,6 đồng trên riêng sàn TP. HCM.

Thậm chí, ngay cả đến nhà đầu tư nội cũng không mấy hứng thú với các đợt IPO, thể hiện qua việc số lượng cổ phần bán được không nhiều và đại đa số cá công ty chỉ bán được cổ phần quanh mức mệnh giá.

Có 5 công ty có giá bán bình quân ở trên mức 20.000 đồng/cổ phần, còn 6 công ty có giá bán từ 11.000-19.000 đồng/cổ phần. Với giá bán thành công bình quân 28.473 đồng, cổ phần của CTCP Than Miền Nam-Vinacominđược mua với mức chiết khấu cao nhất so với mệnh giá.

Đi tìm nguyên nhân

Theo bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tổ chức của CTCK Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – việc nhà đầu tư ngoại thiếu hứng thú với các phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu là do thị trường IPO đang thiếu thanh khoản.

Lý giải việc nhà đầu tư ngoại thiếu hứng thú với các phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, tình trạng kém thanh khoản trên thị trường IPO đang khiến cho thị trường này gặp nhiều bất lợi.

Nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài nếu mua trên thị trường IPO. Điều này có thể sẽ làm nản lòng nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh hiện nay nhiều cổ phiếu kém chất lượng trên thị trường niêm yết lại có mức thanh khoản cao.

Theo bà Phương, một lý do muôn thuở nữa là vấn đề minh bạch. Các công ty niêm yết phải thỏa mãn yêu cầu công bố thông tin của các sở giao dịch chứng khoán, trong khi các công ty mới chào bán cổ phần còn nhiều vấn đề nhập nhèm về thông tin.

Điều đó cũng được thể hiện qua việc rất nhiều công ty không hề làm roadshow (chương trình quảng bá sự kiện), thậm chí có công ty làm IPO “cho xong”, vừa thông báo bán đấu giá cổ phần tuần trước, tuần sau đã thực hiện đăng ký đấu giá.

Trong một bài viết mới đây, tờ Nhật báo Phố Wall cũng cho rằng các vụ IPO được đón nhận một cách lãnh đạm là do thông tin công bố còn kém chất lượng, thêm vào đó là tình trạng thiếu hứng thú trong việc thúc đẩy cổ phần hóa. Ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành của hãng PXP Asset Management tại Việt Nam, tỏ ra nghi ngờ rằng các công ty chủ yếu thực hiện IPO theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Bài báo cũng cho rằng các bản cáo bạch thường chỉ được in bằng tiếng Việt, nên cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận các vụ IPO.

Sự dè dặt trong việc tham gia IPO của các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ góp phần gây áp lực lên Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm 2014-2015.

IPO Cảng Hải Phòng có thay đổi cục diện?

Bà Hoàng Việt Phương (SSI) cho biết nhiều nhà đầu tư giờ đây đang quan tâm và hứng thú với vụ IPO của Cảng Hải Phòng, được tiến hành vào ngày 14/5 tới.

Đây là cảng lớn nhất miền Bắc, kể cả về quy mô và chất lượng. So với các cảng niêm yết hiện nay, Cảng Hải Phòng có quy mô lớn hơn nhiều.

Trong đợt chào bán này, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng sẽ bán đấu giá 37,6 triệu cổ phần, tương đương với 11,5% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 13.500 đồng/cổ phần.

Cảng Hải Phòng có vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, lớn hơn tổng vốn của tất cả các doanh nghiệp ngành cảng trên 2 sàn. Năm 2013, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 18,8 triệu tấn, bằng 101,6% kế hoạch và bằng 103,7% % so với thực hiện năm 2012. Tổng doanh thu trên 1.500 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch, lợi nhuận tăng 13% so với năm 2012.

Cảng Hải Phòng đặt kế hoạch sản lượng 19,5 triệu tấn của năm 2014, đến năm 2018 đạt 23 triệu tấn.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo