Vì ngon… quên mất vi-rút Hanta
Cả người bắt lẫn người ăn vẫn “bình chân như vại” bởi lẽ là món ăn ngon và cho rằng chuột đồng được luộc chín là an toàn.
Nghề và món ăn có từ lâu đời
Nhắc đến chuột, nhiều người không khỏi sợ hãi bởi hình ảnh con chuột thường gắn liền với những nơi bẩn thỉu như bãi rác, cống rãnh… và mang trong mình nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm như dịch hạch, ký sinh gây viêm màng não, vi-rút Hanta… Thế nhưng, từ lâu, ở làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy), thịt chuột trở thành món đặc sản.
Theo ông Đào Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc, sở dĩ thịt chuột được ưa chuộng bởi loại chuột mà người dân làng Tú Đôi bắt chế biến thành món ăn là loại chuột đồng sống ở đồng ruộng và chỉ ăn lúa gạo. Hơn nữa, người ta không bắt chuột quanh năm mà chỉ bắt theo mùa. Mùa chuột bắt đầu vào tháng 10 âm lịch và chỉ kéo dài trong vòng hơn 1 tháng. Đó là thời điểm vụ lúa mùa vừa thu hoạch xong, những con chuột béo mầm do chén đầy bụng lúa gạo. Đó cũng là lúc trời bắt đầu lạnh, chuột “se đông”- tích trữ dinh dưỡng chống chọi với cả mùa đông rét mướt.
Ở làng Tú Đôi, người dân đi bắt chuột theo nhóm từ 2 đến 5 người. Sáng tinh mơ, cả nhóm thức dậy đi bắt chuột. Dụng cụ chỉ có chiếc mai, chiếc thuổng, tấm lưới và những con chó được huấn luyện đặc biệt. Chuột bắt được, sau đó làm lông sạch sẽ và mổ bỏ “hoi” (tuyến gây mùi hôi), ruột rồi luộc và đem ra chợ bán.
Chợ Tú Đôi chỉ bán những con chuột luộc sẵn béo trắng, thơm, ngậy. Người mua về chỉ cần chặt ra, cho ít lá chanh thái chỉ, chấm với muối, ớt, vắt chanh món này ngon đến thịt gà còn thua xa. Thịt chuột Tú Đôi thơm ngon nức tiếng “trong làng ngoài tổng”. Cứ đến mùa, người dân nơi khác lại nườm nượp kéo về Tú Đôi mua đặc sản thịt chuột ăn chơi. Nhiều hôm “cháy” chợ - không còn hàng để bán. Vào đầu vụ, thịt chuột luộc sẵn có giá từ 140.000 đồng đến 160.000 đồng/1 kg, cuối vụ 90.000 đồng đến 110.000 đồng/1 kg.
Anh Đào Quang Hậu, một người chuyên đi bắt chuột, nhà ở xã Kiến Quốc, cho biết, trong xã có khoảng 40 hộ chuyên bắt chuột. Ngày nhiều, mỗi hộ bắt được trên dưới 30 kg, ngày ít bắt được trên dưới 10 kg. Tính ra, mỗi ngày, chợ Tú Đôi tiêu thụ hết vài tạ đến hơn 1 tấn thịt chuột. Khách mua chủ yếu là người các xã, huyện lân cận và ở các quận nội thành. Theo anh Hậu thì hộ nào cũng có vài mối lấy hàng quen, nhiều khi số chuột bắt được không đáp ứng nhu cầu, đành hẹn hôm sau hoặc giới thiệu đến hộ khác.
Anh Hậu tâm sự, bắt chuột là nghề tay trái, nhưng cho thu nhập khá cao. Mỗi năm chỉ có hơn 1 tháng nhưng mỗi hộ có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng/vụ. Người Tú Đôi bắt cả chuột to lẫn chuột mới sinh. Chuột to để ăn, còn chuột nhỏ ngâm rượu để bóp tay, chân khi bị đau.
Khi bắt chuột, quan trọng nhất là tìm hang có chuột. Cửa hang đất còn mới và có dấu chân chuột. Sau đó, người bắt phải bịt các hang phụ và đào đến tận ổ. Hang ngắn thì sâu 1- 2 mét, còn hang dài thì đào hơn 10 mét mới tới ổ. Bắt chuột khi trong ổ thì ít bị cắn, chứ chuột đã chạy ra ngoài, khi vồ bắt dễ bị cắn. Vì thế, tay ai cũng chằng chịt vết răng chuột, vết cũ chưa kịp kéo da non, có vết mới chồng lên.
Người bắt và người ăn cần cảnh giác với mầm bệnh
Ông Phạm Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Kiến Quốc, cho biết, bắt chuột và chế biến món thịt chuột là nghề và món ăn truyền thống của người dân địa phương từ xa xưa. Người dân Kiến Quốc dù đi đâu, cứ đến tháng 10 âm lịch lại tìm về thưởng thức món ăn quê nhà. Trẻ con 10 tuổi đã biết bắt chuột. Bao năm nay, chưa ai bị bệnh vì chuột cắn hay do ăn thịt chuột. Vì thế, mọi người nghĩ rằng chuột đồng không mang mầm bệnh. Việc chuột đồng có mang mầm bệnh hay không phải chờ câu trả lời chính thức của các nhà vệ sinh dịch tễ. Từ khi có thông tin chuột cắn người gây bệnh, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nguy cơ gây bệnh do chuột trên hệ thống loa phát thanh, lồng ghép thông tin dịch bệnh vào các cuộc họp của hội nông dân, hội phụ nữ…
Khi được hỏi có biết thông tin chuột mang mầm bệnh, đặc biệt là vi-rút Hanta hay không, anh Đào Quang Hoàng, một người chuyên đi bắt chuột ở xã Kiến Quốc, trả lời, dù có biết nhưng mọi người yên tâm, bởi chỉ có chuột nhà, chuột cống rãnh, bãi rác… mới có mầm bệnh, chứ chuột đồng không có. Còn anh Phạm Ngọc Vũ, nhà ở phường Cát Bi (quận Hải An) thì cho rằng, thịt chuột khi được luộc kỹ thì chẳng vi-rút nào sống nổi (?).
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc khẳng định chuột đồng có mang vi-rút Hanta hay các mầm bệnh nguy hiểm khác hay không. Về phía người săn bắt, chế biến thịt chuột và thực khách, nên cẩn trọng, không vì lợi nhuận trước mắt và món ăn ngon mà quên đi nguy cơ nhiễm các loại bệnh nguy hiểm.
Viện Pasteur (thành phố Hồ Chí Minh) bắt ngẫu nhiên 25 con chuột (cả chuột cống và chuột nhắt sống trong nhà) đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 3 mẫu dương tính với vi-rút Hanta gây suy thận cấp, cả 3 đều là chuột cống. Vi-rút Hanta truyền qua người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Biểu hiện ban đầu của người nhiễm vi-rút là sốt cao kéo dài, giảm tiểu cầu. Đến khi vào cơn suy thận cấp thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.
An Thảo (Theo Hải Phòng Online)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách