Tin tức - Sự kiện

Vi phạm giao thông đường bộ: Sẽ phạt gấp 6 lần

Người vi phạm còn phải chịu hàng loạt các biện pháp phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, tạm giữ và… tịch thu phương tiện.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 

Ngoài việc nhiều mức phạt chính bằng tiền đã được tăng nặng, người vi phạm còn phải chịu hàng loạt các biện pháp phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, tạm giữ và… tịch thu phương tiện.

 

Nghe điện thoại  cũng bị phạt
 

Trước thực trạng hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là tai nạn giữa ô tô với tàu hỏa xảy ra thời gian qua do lỗi tài xế vừa lái xe, vừa nghe điện thoại, dự thảo Nghị định mới đã đưa hành vi này vào diện cấm. Theo đó, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng nếu vi phạm lỗi này.


Tái phạm  bị tịch thu xe


Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy mắc các lỗi như lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường; Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; Đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô thì vừa bị phạt tiền và khi tái phạm thì bị tịch thu xe. Phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe không phân biệt chủ sở hữu với người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ.

 

Để xử lý hành vi không chấp hành, chống đối người thi hành công vụ khi yêu cầu tài xế kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn của lái xe, dự thảo Nghị định mới quy định phạt tiền từ 8-10 triệu đồng.
 
Cùng đó, tài xế sẽ bị áp dụng thêm hình  phạt bổ sung bằng việc bị giữ xe 10 ngày và bị tịch thu giấy phép lái xe 60 ngày.
 

Trong thời gian cao điểm kiểm tra, xử lý việc tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vào cuối năm 2011 của lực lượng cảnh sát giao thông công an TP Hà Nội và công an tỉnh Hưng Yên cùng nhiều tỉnh, thành khác trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, PV Báo GĐ&XH đã có mặt và ghi nhận tình trạng chống đối nêu trên.
 
Đặc biệt, việc vi phạm chủ yếu tập trung vào nhóm tài xế điều khiển xe mô tô, ô tô con. Khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra thì cánh tài xế nghĩ ra đủ trò để chống đối nên rất khó xử lý.
 
Tuy nhiên, khi mức phạt nặng nêu trên được áp dụng, tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy và nồng độ cồn của tài xế sẽ được giảm thiểu.
 
 
Tăng phạt, đình chỉ tuyển sinh
 
 
Một nội dung quan trọng khác được bổ sung, sửa đổi nhiều nhất trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 34 đó chính là mảng đào tại, sát hạch lái xe. Sự điều chỉnh này xuất phát từ thực tế tràn lan giấy phép lái xe giả với sự xuất hiện của hàng loạt cơ sở đào tạo, sát hạch kém về chất lượng.
 
Hệ quả là tình trạng tài xế không hiểu luật, vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây nên nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua.
 

Với dự thảo Nghị định mới, số tiền phạt đối với những vi phạm trong mảng này sẽ tăng cao gấp 6 lần với nhiều nhóm hành vi. Khung phạt trong khoản 2, điều 41 về đào tạo, sát hạch của dự thảo đã tăng gấp từ năm đến sáu lần so với Nghị định 34.
 
 
Cụ thể, với nhiều nhóm hành vi như bố trí giáo viên, sử dụng xe tập lái, quy định tuyển sinh, khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc nhận lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ khi bị tước quyền sử dụng... sẽ bị phạt từ ba đến năm triệu đồng thay cho mức cũ là chỉ từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
 

Cùng đó, dự thảo Nghị định mới còn ban hành chi tiết, cụ thể hàng loạt quy định mới nếu cơ sở đào tạo vi phạm sẽ bị phạt mức từ 5 - 10 triệu đồng.
 
Mức phạt này sẽ được áp dụng cho các lỗi mới so với Nghị định 34 gồm: Cơ sở đào tạo lái xe tổ chức đào tạo lái xe ngoài địa điểm được ghi trong Giấy phép đào tạo lái xe; liên danh, liên kết đào tạo lái xe trái quy định.
 
Đào tạo không đúng chương chình, giáo trình theo quy định; Bố trí số lượng học viên tập lái trên xe tập lái vượt quá quy định; Đào tạo lái xe không có đủ hệ thống phòng học; phòng học không đủ trang thiết bị, mô hình học cụ; Không có sân tập lái hoặc sân tập lái không đủ điều kiện; Cơ sở đào tạo lái xe không có đủ số lượng xe tập lái các hạng để đáp ứng với lưu lượng đào tạo ghi trong Giấy phép đào tạo lái xe...
 

Ngoài việc bị phạt tiền với các hành vi vi phạm nêu trên, các cơ sở đào tạo còn bị đình chỉ tuyển sinh từ ba đến sáu tháng tùy lỗi vi phạm.
 
Với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, nếu gây tai nạn giao thông mức nghiêm trọng thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe khi điều khiển máy kéo, tước chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy chuyên dùng không thời hạn.
 
 
Theo GĐ&XH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo