Tin tức - Sự kiện

Vì sao bỏ lệnh cấm dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ?

Một tháng sau lệnh cấm các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ, ngày 18/3 Bộ GD-ĐT phát công văn tới các sở gỡ bỏ lệnh cấm. Vì sao lại có chỉ đạo thay đổi này, phó Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD-ĐT) Phan Lan Anh có trao đổi với chúng tôi.

 PV: Xin bà cho biết lí do của việc Bộ GD-ĐT ra văn bản ngày 18/2 với nội dung chỉ đạo các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ?

- Xuất phát từ thực trạng một số cơ sở giáo dục mầm non của một số tỉnh/thành phố tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Nhiều giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo về trình độ đào tạo, năng lực ngoại ngữ hạn chế, thậm chí còn có giáo viên ngọng trong phát âm, không ít giáo viên có trình độ, năng lực ngoại ngữ những chưa có nghiệp vụ sư phạm về giáo dục mầm non vì vậy việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ được thực hiện như một giờ dạy cho học sinh tiểu học: có kiểm tra, đánh giá, cho điểm, giao bài tập về nhà…
 
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Phan Lan Anh
 
Mặt khác, cơ sở vật chất thiếu, trang thiết bị hỗ trợ chưa đầy đủ; Nội dung chương trình ngoại ngữ cho trẻ đa dạng, có chương trình của nước ngoài được áp dụng trực tiếp không tính đến sự phù hợp hay không đối với trẻ mầm non Việt Nam, có chương trình do giáo viên tự biên soạn chưa được cơ quan giáo dục có thẩm quyền thẩm định đã gây áp lực đối với trẻ khiến trẻ căng thẳng và mệt mỏi làm ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
 
Vì vậy để chấn chỉnh thực trạng trên, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 694.
 
 PV: Nhưng sau đó 1 tháng, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản cho phép các cơ sở đủ điều kiện được thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ thì sao, thưa bà?
 
- Sau khi có văn bản ngày 18/2, qua theo dõi các ý kiến của người dân trao đổi trên mạng, chúng tôi thấy nhiều ý kiến đồng tình với chỉ đạo của Bộ.
 
Tuy nhiên cũng có ý kiến chưa thống nhất vì cho rằng tuổi mầm non là cơ hội vàng cho việc cho làm quen với ngoại ngữ, đồng thời những phụ huynh có nhu cầu tỏ ra nuối tiếc khi trường mầm non không tổ chức hoạt động này nữa, và như vậy họ buộc phải tốn thêm thời gian đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài.
 
Ở công văn 694, chỉ đạo của nhằm hạn chế việc dạy học theo kiểu phổ thông hóa đối với trẻ mầm non. Để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non, việc “học“ ngoại ngữ ở trẻ chỉ dừng lại ở mức độ cho trẻ làm quen với ngoại ngữ một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, câu chuyện, tranh ảnh… nhằm giúp trẻ nhận ra, thích thú khi được làm quen với ngôn ngữ mới, vui sướng khi được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, góp phần giúp trẻ phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết như: nhạy cảm của các giác quan, linh hoạt trong tư duy và nhận thức, tăng khả năng giải quyết vấn đề, phát triển tính sáng tạo, nâng cao tính tự tin trong giao tiếp, tự trọng...
 
Vì vậy để làm rõ hơn về vấn đề này, ngày 18/3 Bộ đã có văn bản số 1303 chỉ đạo các sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc công văn số 694, tổ chức kiểm tra rà soát lại các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức dạy ngoại ngữ để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
 
Đồng thời nêu rõ, ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên hướng dẫn, nội dung chương trình và tài liệu có liên quan được các sở thẩm định, cho phép thực hiện..
 
Trẻ ở một trường mầm non tại Hà Nội trong tiết làm quen với tiếng Anh (Ảnh: Văn Chung)
 
Tại thời điểm hiện nay, việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ chỉ tổ chức thí điểm ở các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện, Bộ không chỉ đạo thực hiện đại trà hoạt động này.
 
 PV: Thời gian thí điểm là bao lâu thưa bà?
 
- Sau 1 năm thí điểm, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét, rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc chỉ đạo cụ thể và phù hợp ở giai đoạn tiếp theo.
 
 PV: Xin bà nói rõ hơn các điều kiện giáo viên khi cho phép các cơ sở được phép thí điểm?
 
- Giáo viên hướng dẫn phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm ngoại ngữ hoặc CĐ ngoại ngữ trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN ban hành kèm theo thông tư số 1 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hoặc tương đương. Đồng thời những giáo viên này phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non.
 
 PV: Vậy Bộ sẽ giám sát việc thực hiện thí điểm ra sao, thưa bà?
 
- Việc này được lồng ghép vào kế hoạch thanh kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm, kiểm tra, giám sát theo chuyên đề đối với các địa phương như: thực hiện chương trình GDMN, chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi, và các nội dung khác có liên quan…
 
 PV: Quy định này áp dụng cho các hoạt động chính khóa. Nếu trong hoạt động ngoại khóa sau giờ học, trường vẫn tổ chức cho trẻ vui chơi với tiếng Anh thì sao thưa bà?
 
- Nếu hoạt động đó diễn ra trong nhà trường thì phải tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT mặc dù hoạt động đó được tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh. Còn nếu ở bên ngoài trường mầm non thì chất lượng và hiệu quả đạt mức độ như thế nào đều thuộc về quyết định các bậc phụ huynh.
 
 PV: Bộ GD-ĐT mong muốn gì khi cho trẻ làm quen với ngoài ngữ, thưa bà?
 
- Mục đích của việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ không phải rèn để trẻ phải nhớ được bao nhiêu từ, nói được bao nhiêu câu hay dịch được bao nhiêu đoạn từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại.
 
Điều chúng ta mong muốn là gợi lên cho trẻ những cảm xúc thực sự, đem đến cho trẻ những niềm vui, sự đam mê khám phá khi được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới, qua đó giúp trẻ phát những năng lực nền tảng, phẩm chất cần thiết để chuẩn bị tốt cho giai đoạn bước vào học tập ở lớp 1 sau này như sự nhạy cảm của các giác quan, sự linh hoạt trong tư duy và nhận thức, sự tự tin trong giao tiếp và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, sự tự trọng, dám nghĩ, dám làm…
 
Cảm ơn bà!
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo