Vì sao bùng nổ cuộc chiến Azerbaijan-Armenia?
Tin tức trên báo Ngày nay cuộc chiến Azerbaijan-Armenia từng bùng nổ ở thời kỳ Liên bang Xô viết (1988-1994), Nagorno-Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan, nhưng cả Armenia và Azerbaijan đều có tranh chấp đối với vùng đất này.
Trong lịch sử Nagorno-Karabakh vốn là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa. Tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan là kết quả của sự bất bình kéo dài từ phía cộng đồng người Armenia ở Nagorno-Karabakh do sự cấm đoán tự do tôn giáo và văn hóa bởi Azerbaijan.
Azerbaijan vốn là quốc gia Hồi giáo trong khi đa phần dân chúng ở Armenia theo đạo Thiên chúa. Dân ở vùng Nagorny Karabakh cũng theo đạo Thiên chúa và gắn bó với Armenia nhiều hơn. Các cuộc xung đột giữa hai bên đã diễn ra từ năm 1988 và kéo dài nhiều năm sau đó.
Việc Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991 đã dỡ bỏ những rào cản cuối cùng ngăn cản hai phía Armenia và Azerbaijan tiến hành một cuộc chiến tổng lực. Một tháng trước đó, Quốc hội Azerbaijan bãi bỏ hiện trạng của Karabakh là một tỉnh tự trị, đổi tên thủ phủ của thành "Xankandi".
Ngược lại, một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở Karabakh, với người Armenia bỏ phiếu áp đảo ủng hộ độc lập. Ngày 6 tháng 1 năm 1992, vùng này tuyên bố độc lập từ Azerbaijan.
Ngày 2/4, các lực lượng của Azerbaijan-Armenia bất ngờ giao tranh tại khu vực Nagorny - Karabakh. Đây là một trong những vụ đụng độ bạo lực nhất tại khu vực tranh chấp này kể từ khi hai nước thực thi Nghị định thư Bishkek năm 1994 và lệnh ngừng bắn tạm thời. Báo TTXVN thông tin.
Ngay hôm sau 3/4, Azerbaijan đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn. Tuy nhiên, ngày 4/4, Bộ Quốc phòng Armenia nhận định tình hình tại đường giới tuyến ở khu vực Nagorny - Karabakh vẫn rất căng thẳng, đồng thời cáo buộc lực lượng Azerbaijan "âm mưu sử dụng các phương tiện quân sự hạng nặng và máy bay chiến đấu, trong đó có hệ thống súng phun lửa hạng nặng cũng như máy bay không người lái".
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết quân đội nước này sẽ chuẩn bị tấn công thủ phủ Stepanakert của Cộng hòa Nagorny - Karabakh (NKR) tự xưng nếu các lực lượng do Armenia hậu thuẫn tiếp tục nổ súng nhằm vào dân thường gần khu vực nói trên.
Nhận định về tình hình tại Nagorny - Karabakh, mạng tin của Cơ quan phân tích thông tin tình báo "Stratfor" ngày 4/4 có bài viết cho rằng Azerbaijan đang mở các chiến dịch tấn công nhằm chiếm giữ thêm phần lãnh thổ, song chiến lược mới này mang tính cầm chừng với lý do một phần là nhằm ngăn chặn cuộc chiến bùng nổ rộng hơn, gây bất ổn định toàn khu vực, song quan trọng hơn là chiến lược này có thể hạn chế nguy cơ xung đột với Nga, nước vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại Armenia. Hầu hết các chiến dịch quy mô nhỏ, có thể được nhanh chóng chấm dứt, sẽ không tạo "cớ" để Nga can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, chiến lược này không phải là không có rủi ro. Moskva có thể can thiệp để trợ giúp đồng minh Armenia dù Azerbaijan có nỗ lực giữ cho Nga đứng ngoài cuộc xung đột. Hiện phía Nga chưa phát đi tín hiệu nào về khả năng can thiệp, mà chỉ nói là "đang theo sát tình hình".
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry ngày 4/4 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về những nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực bùng phát tại khu vực Nagorno - Karabakh và cách thức lôi kéo Armenia và Azerbaijan nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Trong khi đó, bản thân Armenia có thể cũng đang theo đuổi chiến lược riêng của mình, thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu. Nếu như Armenia chọn giải pháp này, chiến sự sẽ nhanh chóng leo thang vượt ra ngoài khu vực Nagorny - Karabakh, phá hỏng nỗ lực khoanh vùng xung đột của Azerbaijan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo