Tin tức - Sự kiện

Vì sao cá mập 'thích' cắn cáp quang biển?

Đã có một số trường hợp cáp quang biển bị đứt do cá mập cắn, nhiều người băn khoăn tự hỏi vì sao cá mập 'thích' cắn cáp biển đến vậy.

Mặc dù cá mập cắn không phải nguyên nhân chính khiến cáp quang bị đứt, nhưng có một sự thật là những đường cáp này có sức hút kỳ lạ đối với loài săn mồi này. Các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu để giải thích vì sao loài cá mập lại rất 'thích' cắn những sợi cáp quang dưới đáy biển.

Theo nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết của vụ “cắn đứt” cáp quang biển đầu tiên là vào năm 1985. Họ phát hiện thấy dấu vết của răng cá mập trên một đường cáp ngoài khơi quần đảo Canary. Và từ đó một trong những nguyên nhân gây ra đứt cáp biển được biết đến nhiều nhất là do cá mập cắn.

James M. Barrett, cựu phó giám đốc kỹ thuật quốc tế ở Công ty điện thoại và điện báo Mỹ (AT&T) cho biết khoảng 88.500 - 96.500 km đường cáp dưới đáy biển cũ làm từ đồng không có vết cá mập cắn, có nghĩa cá mập đặc biệt thích nhai sợi cáp quang.

Một số người tin rằng dòng điện chạy qua đường dây cáp quang thu hút cá mập, kích thích cảm giác thèm ăn ở chúng. Họ cho rằng cá mập có các cảm biến điện thế ở miệng để tìm mồi, do đó chúng có thể nhầm sợi cáp quang với thức ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giả thuyết này không có cơ sở, vì cáp quang truyền dẫn tín hiệu bằng ánh sáng, không có dòng điện chạy qua nên không thể tạo cảm giác thèm ăn cho cá mập.

Hình ảnh ghi lại cảnh cá mập cắn cáp quang biển.

Cũng có những ý kiến khác cho rằng cá mập thích cắn những sợi cáp này đơn giản chỉ vì tính tò mò. Giáo sư Chris Lowe là một người chuyên nghiên cứu về cá mập tại Đại học bang California cho rằng cá mập thường hay cắn những sợi cáp biển đơn giản vì chúng thích như vậy, chứ không phải vì hành động săn mồi. “Nếu bạn đưa một miếng nhựa có hình ống ra phía trước một con cá mập. Chắc chắn nó sẽ muốn ngoạm lấy miếng nhựa đó không phải vì nó nghĩ có thể ăn được”. Đó là hành động tự nhiên mà chúng ta có thể thấy ở nhiều loài động vật như chó, mèo khi chúng đùa nghịch với những đồ vật xung quanh.

Nhằm đối phó với các vụ tấn công cáp quang từ cá mập, công ty Google ở Mỹ đã đầu tư 300 triệu USD vào hệ thống cáp quang dưới đáy biển mang tên FASTER hồi tháng 8/2014. Hệ thống cáp FASTER không chỉ cung cấp đường truyền tốc độ cao hơn cho các quốc gia châu Á mà còn được bao phủ vật liệu tương tự sợi Kevlar vốn dùng để làm áo giáp chống đạn. Độ bền của sợi Kevlar được hy vọng có thể chống lại những cú cắn của cá mập, bảo vệ đường cáp quang quan trọng dưới đáy biển.

Tuy nhiên cho dù lý do có là như thế nào đi chăng nữa thì tỷ lệ cáp quang biển bị đứt do cá mập cắn là thấp hơn rất nhiều so với nguyên nhân do con người. Tới 70% số vụ đứt cáp quang biển là do các hoạt động tàu thuyền vô tính móc và kéo đứt cáp quang, hay là do các hành động chủ ý cắt và đánh cắp cáp quang biển để chuộc lợi cho bản thân. Do đó chúng ta cũng không nên đổ lỗi cho những chú cá mập mỗi khi đường cáp quang AAG lại gặp sự cố như hôm nay.

Nên đọc
Theo ViệtQ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo