Vì sao các ông chủ ngân hàng "không muốn" khôn ngoan?
Tại sao các ngân hàng lại ngại đối mặt với bảng nợ xấu thực đến thế? Ngân hàng nào khôn ngoan, ngay cả nợ xấu của ông chủ cũng nên bán đi, song nhiều ông chủ ngân hàng vẫn chần chừ...
Trong khi các chuyên gia hàng đầu đều thống nhất quan điểm "không nên hoãn Thông tư 02 thêm nữa dù tỷ lệ nợ xấu có thể tăng gấp 1,5 lần, thậm chí 2 lần hiện nay", nhưng tâm tư các lãnh đạo các ngân hàng vẫn chồng chất lo ngại với tình hình sức khỏe doanh nghiệp và ngân hàng còn rất yếu, nếu áp dụng Thông tư 02 về quản lý rủi ro sẽ càng làm “khó khăn chồng khó khăn”.
Doanh nghiệp đổ bể, ngân hàng bị dồn vào thế khó
Nói lên những khó khăn mà ngành ngân hàng và doanh nghiệp phải trải qua trong năm 2012-2013, ông Lê Công – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho rằng, dù đã đạt được nhiều thành công nhưng tính rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn.
Ví con đường kinh doanh trong ngân hàng sẽ còn chông gai trong năm 2014, ông Lê Công cho rằng, trong lúc cả doanh nghiệp và ngành ngân hàng chưa thoát khỏi khó khăn, sức khỏe còn đang rất yếu mà áp dụng ngay Thông tư 02 vào đúng thời điểm 1/6/2014 sẽ khiến “bức tranh đã xám càng thêm ảm đạm”. Điều này sẽ cộng dồn và càng làm gia tăng khó khăn hơn cho doanh nghiệp, ngân hàng.
“Có thể đây là bước ngoặt củng cố ngành ngân hàng. Nhưng trong bối cảnh này thì việc áp dụng Thông tư 02 sẽ càng làm hơn khó khăn hơn cho ngành ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tôi xin mạnh dạn đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên chọn thời điểm thích hợp để áp dụng Thông tư 02, tránh tác động khó khăn tiếp diễn của nền kinh tế đối với ngành tài chính” – CEO của MB kiến nghị.
Cùng quan điểm với lãnh đạo MB, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) lên tiếng, với thực lực hiện nay các ngân hàng chưa thể xử lý, phản ứng nhanh với những tồn tại nên việc hoãn thực hiện Thông tư 02 sẽ giúp các nhà băng dễ thở hơn. “Có thể là hoãn tới năm 2015, 2016 mới triển khai” – Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng nói.
Không phải bây giờ các ông chủ nhà băng mới kêu ca và muốn lùi thêm thời gian áp dụng Thông tư 02.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐTV NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã có lần lên tiếng, rằng nếu áp dụng Thông tư 02 vào đúng thời điểm 1/6/2014 thì nhiều doanh nghiệp lớn sẽ đổ vỡ.
“Nếu áp dụng Thông tư 02 vào tháng 6/2014 cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục trói doanh nghiệp lại và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt. DN không những không thể hồi phục được mà còn xảy ra sự đổ bể của DN lớn. Nếu các doanh nghiệp lớn có vấn đề thì hậu domino sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần chúng ta chứng kiến trong những năm trước cộng lại” – ông Hưởng thẳng thắn.
“Khôn ngoan thì nên bán nợ nhanh cho VAMC”
Trước sự kêu ca và lo ngại của nhiều lãnh đạo ngân hàng về việc tỷ lệ nợ xấu sẽ cao và càng khó xử lý nếu áp dụng quy chuẩn nợ mới, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khi trao đổi với PV Infonet khẳng định, không nên hoãn Thông tư 02 thêm nữa dù tỷ lệ nợ xấu có thể tăng gấp 1,5 lần, thậm chí 2 lần hiện nay.
“Cho dù khi áp dụng Thông tư 02 nhiều quan ngại cho rằng số sách trong hệ thống ngân hàng vẫn sẽ được “làm đẹp trên giấy” nhưng dù sao áp dụng còn hơn không, vì một phần cái xấu cũng sẽ bộc lộ. Hệ thống tài chính sẽ được tái cơ cấu tốt hơn”- TS. Nghĩa nói.
Cắt nghĩa cụ thể hơn, ông phân tích, áp dụng Thông tư 02 nhà điều hành có hai sự lựa chọn mà không bị mang tiếng “nuông chiều” các ngân hàng thương mại.
Một là, lựa chọn “thẳng”, cứ áp dụng đúng quy định, tinh thần của thông tư này. Cách thứ hai khả thi và mềm dẻo hơn là để nợ xấu bộc lộ hết điểm xấu, còn DPRR thì có thể căn cứ vào tùy sức khỏe ngân hàng mà sẽ được trích lập khác nhau.
“Nhưng ngân hàng nào khôn ngoan, ngay cả nợ xấu của ông chủ cũng nên bán đi, vì khi bán cho VAMC, VAMC sẽ ủy quyền cho ngân hàng quản lý, nợ có tuột khỏi tay ngân hàng đâu, trong khi thanh khoản, tỷ lệ nợ, DPRR giảm xuống. Khôn ngoan là như vậy nhưng nhiều ông chủ ngân hàng vẫn chần chừ bán nợ cho VAMC”- ông Nghĩa nói.
Khẳng định “không thể trì hoãn thêm thực hiện Thông tư 02” cũng được Đặng Văn Thảo – Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng gần đây.
“Đúng là nếu áp dụng Thông tư 02 thì nợ xấu trong hệ thống nhà băng sẽ tăng cao, nhưng không có nghĩa là không làm. NHNN đã tính toán, dự liệu các phương án cho mọi tình huống có thể xảy ra” – ông Thảo nói.
Lường trước tình hình, cơ quan Thanh tra giám sát đang đệ trình lên Thống đốc 3 phương án phân loại khách hàng vay tại các tổ chức tín dụng. Cụ thể, khách hàng vay nợ tại ngân hàng sẽ được chia thành nhóm. Khách hàng đã giải thể, phá sản thì phải dùng nguồn dự phòng để xóa nợ. Kế tiếp là nhóm khách hàng đang hoạt động nhưng gặp khó khăn thì tìm biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi. Cuối cùng, nhóm khách hàng đã phá sản nhưng có tài sản bảo đảm thì thực hiện phát mại, có thể mở lại cơ chế cho phép các tổ chức tín dụng lập các trung tâm đấu giá để có thể xử lý nhanh hơn.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo