Tin tức - Sự kiện

Vì sao cán bộ công chức thiếu người tài?

Sáng 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội một số nội dung của các đại biểu về cán bộ công chức và cải cách hành chính.

Trong buổi chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương đưa ra vấn đề về hiện trạng những cán bộ công chức: người có năng lực thì không được vào mà nếu có vào công chức thì cũng xin ra đi. Trong khi ngược lại, người kém năng lực lại gia tăng, làm tăng lên số lượng những “con người hành chính”, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về mà luôn muốn tăng lương, tăng bậc, ham muốn thành đạt.

Từ đó dẫn đến tình trạng, số lượng công chức tận tâm, nhiệt tình, sáng tạo và tài năng ngày càng ít. Ngược lại, số lượng người chỉ biết vâng dạ, gật gù lại ngày càng tăng lên.

Đại biểu Đương đặt ra câu hỏi: Đây có phải chăng là nguyên nhân gây nên những tội phạm về hành chính và tham nhũng? Và Bộ Nội vụ có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Bộ trưởng Bộ Nội Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn Quốc hội sáng 18/11.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Bình đưa ra những nguyên nhân như sau: Việc sử dụng cán bộ công chức viên chức chưa đúng với phẩm chất năng lực của từng đồng chí, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với tránh nhiệm người đứng đầu, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa tốt; tuyển đầu vào chưa thực sự đáp ứng nhiệm vụ, chưa tuyển đc người có năng lực.

Để giải quyết được hiện trạng này, Bộ trưởng bộ Nội vụ đưa ra các giải pháp: cấp trên trực tiếp đánh giá năng lực của cấp dưới; trọng dụng người có tài năng, sáng tạo; có chế độ tạo nguồn cán bộ tốt với các sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ có trình độ; tinh giản biên chế để đào thải những người chưa đủ năng lực.

Về đề án tinh giản biên chế, Bộ Chính trị thống nhất thông qua các đề án và giao cho Bộ Nội vụ hoàn thành nghị quyết. Sau khi Trung ương cho ý kiến, đề án sẽ được ban hành.

Liên quan đến vấn đề tiêu cực trong thi tuyển công chức, đại biểu Cao Thị Xuân đến từ Thanh Hóa đặt câu hỏi đưa vấn đề dư luận bức xúc trước thông tin về những tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ công thương và Bộ Nội vụ đã tổ chức thanh tra toàn bộ, kết quả thanh tra như thế nào, có bao nhiêu cán bộ bị xử lý và trách nhiệm của Bộ Nội vụ?

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời: Căn cứ luật thi công chức, nghị định, thông tư thực hiện luật có những đổi mới về công tác thi tuyển về cán bộ công chức viên chức. Bộ trưởng cho biết, đổi mới về thi tuyển công chức sẽ có ba môn thi: kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành và tin học – ngoại ngữ. Trong đó, kiến thức chuyên ngành là môn thi quyết định, tin học – ngoại ngữ là môn thi điều kiện.

Trong quá trình tổ chức thi, Bộ nội vụ cũng đảm nhiệm chức năng chủ trì, biên soạn, hướng dẫn về quy định, tiêu chuẩn và tổ chức thi để đảm bảo tính minh bạch, trong sạch và công bằng. Việc thi tuyển được tiến hành trên máy tính để hạn chế những tiêu cực trong thi đầu vào.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thi tuyển vẫn có một số địa phương còn tồn tại tiêu cực. Bộ Nội vụ khi phát hiện tiêu cực đã cử đoàn cán bộ đến kết hợp với sở nội vụ những địa phương có sai sót để có những khắc phục, sửa đồi và xử lý các vi phạm.

Với vụ tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, Bộ đã có đợt thanh tra toàn diện nhưng do phạm vi rộng, phải gia hạn thêm thời gian để thực hiện việc thanh tra cho đầy đủ, đúng quy trình. Bộ đang hoàn thành hồ sơ để trao đổi, thống nhất với các đơn vị thanh tra để hoàn thành hồ sơ.

Trong buổi chất vấn, các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính; quá nhiều cấp phó ở cơ quan trung ương, giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, cán bộ quá tuổi nghỉ hưu, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ... được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo