Vì sao chi phí làm 1 km đường ở Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với nước ngoài?
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn, về chi phí làm đường cùng công nghệ kỹ thuật hiện đại như nhau nhưng 1 km đường ở Việt Nam tiêu tốn từ 700 đến 1.000 tỷ đồng, còn các nước khác chỉ tốn khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, tuổi thọ đường sá của các nước bạn lên tới khoảng 50 năm, trong khi ở Việt Nam chỉ 2 đến 3 năm đã xuống cấp.
Trả lời đại biểu Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dư luận nói rằng, đầu tư giao thông ở Việt Nam chi phí đắt, tuổi thọ kém và không đảm bảo so với mặt bằng trong khu vực. Việc này Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cung cấp các thông tin liên quan đến suất đầu tư của đường ở Việt Nam với các nước trong khu vực.
"Chúng ta xây dựng đường phụ thuộc vào nền móng. Nếu nền móng yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung thì chúng ta phải xử lý đất yếu, vì lớp đất yếu này có thể từ 30-40m và xử lý nền đất yếu này rất tốn kém. Ngoài ra, ở khu vực đất yếu, muốn dùng đất chất lượng tốt để đắp nền đường, chúng ta cũng phải vận chuyển. Tất cả khoản chi phí này sẽ khác nhau với từng địa phương, từng nước.
Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Ở một số nước, chi phí giải phóng mặt bằng thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng của chúng ta hiện nay liên quan đến nhà cửa, kiến trúc,... cũng tùy theo khu vực. Do đó, suất đầu tư hiện nay nếu nói rằng từ 700 đến 1.000 tỷ đồng/km cũng có thể đúng, đúng với một số đoạn chứ không phải đúng hết tất cả. Có những đoạn đường chúng ta làm giá rất thấp, có những đoạn đường làm giá cao, tùy thuộc vào địa chất, địa hình và giải phóng mặt bằng", Bộ trưởng Thể lý giải.
"Bóc tách lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hiện nay, Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành thi công một số đoạn đường cao tốc thuần túy với công nghệ mới để chúng ta có được suất đầu tư. Hiện nay, Bộ Xây dựng rất tích cực, đã xây dựng đề cương, báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp sắp tới sẽ triển khai một vài đoạn ở phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Chúng ta giám sát chặt chẽ các ca máy, giám sát chặt chẽ chi phí để có được suất đầu tư đại diện cho các khu vực", vị tư lệnh ngành Giao thông vận tải nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo