Vì sao Công tử Bạc Liêu gọi nhà báo là “hiệp sỹ của ngôn luận”?
Ba tôi rất coi trọng nhà báo
“Sự giàu sang, thích chơi ngông của Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy, ba của tôi đã trở thành nhiều giai thoại, tuy nhiên sau khi đi du học ở bên Tây 3 năm, trở về nước với đầu óc tân tiến nên trong ngoại giao ba tôi luôn được ông nội tôi đánh giá cao. Trong bất cứ buổi tiệc lớn hay gia đình tổ chức sự kiện long trọng nào đó, ba tôi đều cử người lên Sài Gòn để đón nhà báo về dự”, ông Đức cho hay.
Trong cuốn sách Công tử Bạc Liêu của nhà văn Nguyên Hùng mà ông Trần Trinh Đức (con trai Công tử Bạc Liêu), giới thiệu và đưa cho tôi xem cũng nêu rõ việc Cậu Ba Huy - Công tử Bạc Liêu đã thể hiện sự trân trọng của mình đối với giới báo chí và gọi nhà báo là “hiệp sỹ của ngôn luận”. Khi từ Pháp về nước trong bữa tiệc vinh quy của mình Công tử Bạc Liêu đã cho mời rất đông nhà báo từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu để dự tiệc.
Tại buổi tiệc, Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy đã có bài diễn văn nói về các nhà báo: “Niềm vui lớn của gia đình chúng tôi là được sự quan tâm của giới ngôn luận. Các hiệp sỹ của quyền tự do thứ tư đã không ngại đường sá xa xôi, vượt trên ba trăm cây số tới nơi cuối đất cùng trời này để chào mừng một đứa con của đồng ruộng và đi du học bên Pháp về. Hai giới báo chí và nhà nông tuy xa cách nhau mà lại có điểm giống nhau: Nhà nông lo cho cái bao tử của thiên hạ, còn nhà báo săn sóc bộ óc của đồng bào... Như vậy, nhà nông và nhà báo đều chung sức nâng cao đời sống dân chúng lên cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Xin quý vị có mặt tại đây một tràng pháo tay để siết chặt mối tình gắn bó giữa nhà nông và nhà báo”.
Trong cuốn Công tử Bạc Liêu của nhà văn Nguyên Hùng cũng đã miêu tả ông Trần Trinh Trạch thân sinh của Công tử Bạc Liêu nói về nhà báo: “Mấy cha nhà báo đi đến đâu là xôm trò tới đó. Họ chụp hình, rồi phỏng vấn, rồi kể chuyện vui. Họ đi nhiều, giao thiệp rộng nên chuyện trên trời dưới đất bên Tây bên Tàu, họ đều biết, mà biết rất căn kỹ nữa chứ”.
Ngay cả buổi tổ chức làm lễ thượng thọ cho thân sinh của mình, Công tử Bạc Liêu cũng đã mời rất đông nhà báo từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu để đưa tin về việc ông Trần Trinh Trạch thân sinh của Cậu Ba Huy đốt bỏ giấy nợ cho những người tá điền có cuộc sống khó khăn, những người mất mùa ba năm liên tiếp...
“Nhiều người không hiểu rõ chuyện gia đình dòng họ Trần Trinh nên phê phán bừa bãi là cậu Ba Huy - Công tử Bạc Liêu đi Tây về chỉ biết nhảy đầm và lái xe hơi, không làm được tích sự gì. Nhưng việc ông nội tôi - Trần Trinh Trạch đốt giấy nợ cho những tá điền có đời sống khó khăn tại buổi lễ thượng thọ 70 của ông đó là nhờ có sáng kiến của Công tử Bạc Liêu. Sáng kiến này ngay tại bữa tiệc mừng thượng thọ ông nội cũng đã khen ba tôi trước rất đông quan khách”, ông Đức nhớ lại.
Ông Đức cũng cho biết, khi nhắc đến địa danh Bạc Liêu nhiều người Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại đều biết đến đó là vùng đất đã sản sinh ra một con người có tính cách rất thú vị Công Tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy – ba của ông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo