Tin tức - Sự kiện

Vì sao DN ngại tham gia hoạt động xúc tiến thương mại?

Hoạt động xúc tiến thương mại lâu nay vốn được xem là cầu nối giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá sản phẩm, thương hiệu nhằm chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

(VTV News)- Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cho đến nay, hiệu quả từ những hoạt động này chưa cao do còn tồn tại một số bất cập. Dàn trải, thiếu tập trung thị trường, chi phí cao… khiến nhiều doanh nghiệp "ngại" tham gia các chương trình xúc tiến do Nhà nước tổ chức. Làm thế nào để vừa giúp doanh nghiệp quảng bá tốt sản phẩm, vừa tạo cơ hội để mở rộng thị trường, và vốn đầu tư của nhà nước được sử dụng có hiệu quả đang là điều khiến cơ quan quản lý và doanh nghiệp băn khoăn.
 
     
Theo Trung tâm xúc tiến thương mại TP.HCM (ITPC), trung bình mỗi năm có khoảng 4-5 đợt tổ chức Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam tại Campuchia, Myanmar, Indonesia, kinh phí cho một lần tổ chức hội chợ tại các nước trong khu vực ASEAN khoảng 2-3 tỷ đồng.
 

Đủ mặt hàng, từ thực phẩm đến đồ gia dụng, hơn 8 năm tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tại Campuchia nhưng đến nay, các hội chợ hàng Việt vẫn chưa có sự đột phá mới. Theo các doanh nghiệp phần lớn công tác xúc tiến còn dàn trải, không xác định sản phẩm, thiếu tập trung thị trường, chi phí cao… Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp còn ngại tham gia vào các chương trình xúc tiến do nhà nước tổ chức.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Công ty Dệt Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi chỉ mới tham gia thăm dò thị trường, nhưng thấy còn khó quá vì chi phí doanh nghiệp bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả lại chưa thấy”.

Năm nay, kế hoạch của Trung tâm xúc tiến thương mại TP.HCM là tiếp tục hướng các doanh nghiệp vào các thị trường tiềm năng như: Myanmar, Lào, Campuchia. Mặt khác, những thị trường khác như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản cũng được hướng tới, thế nhưng định hướng thị trường như thế nào, đặc thù sản phẩm ra sao vẫn còn bị bỏ ngỏ.  

Năm 2012, các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ trên 4.500 doanh nghiệp. Không phủ nhận những lợi ích từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia mang lại cho doanh nghiệp trong nhiều năm qua, thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để tránh lãng phí hàng trăm tỷ đồng của nhà nước cho hoạt động xúc tiến thương mại, việc xác định thị trường, sản phẩm trọng điểm là yếu tố quan trọng.

Hay nói cách khác là bên cạnh xây dựng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp, vấn đề doanh nghiệp cần chính là vai trò định hướng của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa dịch vụ, bán đúng cái thị trường cần.

Duy Ly
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo