Thị trường

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với tín dụng ngân hàng?

Muốn tín dụng tăng trưởng, bên cạnh việc cải thiện sức mua và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, lãi suất cho vay thực sự phải hạ tiếp.

Người tiêu dùng chính là đối tượng cần nhắm tới để kích cầu sức tiêu thụ hàng hóa. Ảnh: Uyên Viễn.

Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF-Hose) hồi tháng 4/2014 quyết định tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá. Mục đích chính là để có tiền trả bớt nợ ngân hàng và bổ sung vốn lưu động. Lúc ra quyết định, thị giá cổ phiếu còn trên mệnh giá. Ngay sau đó, thị trường chứng khoán giảm, cổ phiếu TTF về dưới 10.000 đồng, công ty thông báo hủy quyết định phát hành. 

Trường Thành chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực bằng mọi cách ra khỏi “đống lầy” nợ ngân hàng. Lợi nhuận có đồng nào, phải ưu tiên trả nợ ngân hàng trước. Năm ngoái công ty chỉ sản xuất được 50% đơn đặt hàng do thiếu vốn lưu động, chưa kể thiếu nguyên liệu để sản xuất vì nguyên liệu đã thế chấp cho ngân hàng. 
 
Để cứu TTF, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) phải vào cuộc. Trường Thành bán 543 tỷ đồng nợ vay của Vietcombank cho DATC, trong đó chuyển một phần nợ thành vốn góp, một phần cho vay với lãi suất 7,8%/năm. Ngoài ra, TTF sẽ phát hành 19,56 triệu cổ phiếu, giá 8.400 đồng/cổ phiếu cho DATC. Việc chuyển nợ thành vốn góp ít nhất giúp công ty thoát khỏi áp lực ngày ngày bị ngân hàng đòi nợ.
 
Không may mắn như Trường Thành, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS-Hose) giải quyết chuyện nợ bằng cách bán đất cho các ngân hàng. Nam An Khánh là dự án có giá trị nhất của Sudico, công ty “xẻ” 4 héc ta bán cho Ngân hàng TMCP Hàng hải, cấn trừ được 400 tỷ đồng nợ. Kế hoạch của Sudico là sẽ bán tiếp đất cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương, lấy tiền trả khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn vào đầu quí 3 tới. Các khoản nợ do phát hành trái phiếu của SJS có lãi suất cao, có khoản tới 18%/năm. Ở thời điểm kinh doanh bất động sản khó như bây giờ, làm gì ra lợi nhuận để trả lãi suất đó?
 
Dù không may mắn, Sudico vẫn còn thuận lợi. Một số công ty bất động sản sẵn sàng chịu lỗ, chuyển nhượng dự án nhưng chủ nợ là các tổ chức tín dụng không mua. Không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận cấn trừ nợ bằng tài sản.
 
Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (ITC-hose) phải “cắn răng” bán tòa nhà Intresco Tower ở quận Phú Nhuận, TPHCM, lấy 300 tỷ đồng trả nợ, trong khi giá trị sổ sách hơn 550 tỷ đồng, chịu lỗ quí IV/2013 khoảng 260 tỷ đồng. Giới địa ốc “bật mí” giá cả tài sản mà ngân hàng cho cấn trừ nợ ít ra còn dễ chịu hơn so với giá cắt lỗ trên thị trường. 
 
Các trường hợp nêu trên là dẫn chứng điển hình giải thích một phần vì sao tín dụng từ đầu năm đến 22/5/2014 chỉ tăng 1,31% so với cuối năm ngoái.
 
Thứ nhất những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hầu như không có nhu cầu vay vốn. Công ty cổ phần Cao su miền Nam (CSM-Hose) đang triển khai kế hoạch thoái vốn khỏi một số dự án nhà đất dù không thiếu vốn và được ngân hàng ưu ái cho vay.
 
Thứ hai những doanh nghiệp cần vay thì xoay xở mọi cách, bí lắm mới phải cầu cạnh ngân hàng. Lãi suất vay khoảng 9-10%/năm đã giảm nhiều so với trước, nhưng biên lợi nhuận hiện thu hẹp, khó mà cõng nổi chi phí tài chính. Thứ ba những doanh nghiệp nợ lãi suất cao, thì hoặc không trả được do kiệt sức rồi, kệ nợ, ngân hàng muốn giải quyết sao thì giải quyết; hoặc bán tài sản, kể cả bán rẻ, bán lỗ, trả cho xong.
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết đến giờ vẫn còn một tỷ lệ nhất định nợ lãi suất trên 13%/năm và trên 15%/năm. Những khoản vay này có thể đã trở thành nợ xấu, có thể chưa, nhưng tháo gỡ nó không dễ. Nó đang ngáng đường việc điều hành lãi suất cơ bản của cơ quan quản lý. Lâu nay NHNN thường sử dụng lãi suất thị trường mở, lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động để điều hành mặt bằng lãi suất chung, mà “bỏ quên” lãi suất cơ bản. Trên trang web của NHNN, lãi suất cơ bản vẫn được công bố ở mức 9%/năm. Và như vậy, những khoản tồn đọng cho vay còn trên 13%/năm sẽ không vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự là lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Quy định của Bộ luật Dân sự đã đến lúc cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế, tuy nhiên trong khi nó chưa được sửa, vẫn phải thi hành nghiêm túc.
 
Nếu lãi suất cơ bản, thí dụ được điều chỉnh về mức 6%/năm, trần lãi suất cho vay tối đa sẽ chỉ là 9%/năm, thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ còn teo lại hơn nữa. Hiện tại các khoản vay tiêu dùng, vay chứng khoán, ứng trước tiền bán cổ phiếu, chiết khấu thẻ... vẫn còn khoảng 12-15%/năm. Chẳng hạn cho vay chứng khoán ưu đãi cũng 13%/năm, không ưu đãi có thể 14%/năm.
 
Muốn tín dụng tăng trưởng, bên cạnh việc cải thiện sức mua và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, lãi suất cho vay thực sự phải hạ tiếp. Mảng cho vay tiêu dùng mới chính là khu vực phải kích cầu, song lãi suất ở đây lại đang thuộc nhóm cao nhất nhì thị trường. Khơi thông cho vốn chảy vào sản xuất là đúng hướng, nhưng người tiêu dùng mới là đối tượng cần nhắm tới để kích cầu sức tiêu thụ hàng hóa.      
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo