Tin tức - Sự kiện

Vì sao Hà Nội ba lần phân làn đường không thành?

Dự kiến, năm 2012, thành phố sẽ tiếp tục phân làn khoảng 11 tuyến phố khác. Nguyên nhân thất bại do làm chưa hợp lý hay ý thức tham gia giao thông quá kém?

Hôm 20/9/2011, một lần nữa Sở Giao thông vận tải tiến hành phân làn giao thông trên 4 tuyến đường: Bà Triệu, phố Huế, Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt và Giải Phóng. Mục đích của việc phân làn, theo Sở này là nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tăng khả năng lưu thông của các loại phương tiện trên các tuyến đường của thành phố; tạo ý thức đi theo làn đường, chấp hành các quy định Luật Giao thông đường bộ, từng bước xây dựng văn hóa giao thông.


   
 Tuy nhiên, việc phân làn đường dường như không mấy hiệu quả. Mặc dù tại các điểm mới phân làn đều có đội ngũ thanh tra giao thông hướng dẫn nhưng người tham gia giao thông hầu như vẫn làm ngơ.

 

Điều đáng nói là rút kinh nghiệm từ các lần phân làn thất bại trước, lần này, đơn vị tiến hành phân làn là Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho cắm cọc sắt giữa đường để tách làn phương tiện giữa ô tô, xe máy, Tuy nhiên, tác dụng chưa thấy đâu, thời gian đầu mới triển khai phân làn, ban ngày thì không sao nhưng cứ vào buổi tối hàng chục người đi xe máy, ô tô đâm vào cột phân làn gây tai nạn, khiến dư luận bức xúc.

 

Hà Nội cắm cột sắt giữa đường để phân làn giao thông. Ảnh: Xuân Tùng

 

 

Trả lời dư luận, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở khẳng định, đây là việc làm cần thiết vì “không có cách nào khác ngoài việc phải cưỡng bức giao thông” đối với các phương tiện cố tình không đi đúng làn đường.

 

Mặc cho người dân có ý kiến về cách phân làn đầy nguy hiểm, Sở Giao thông vận tải vẫn cứ tiến hành phân làn. Kết quả là 3 tháng sau, việc đi đúng làn đường cũng chỉ có rất ít người thực hiện, và cũng chỉ nhằm vào những lúc có mặt thanh tra giao thông, nhưng Hà Nội lại vẫn tiếp tục chi hàng chục tỷ đồng để phân làn nhiều tuyến phố khác.

 

Đây đã là lần thứ 4 Hà Nội tiến hành phân làn đường. 3 lần trước thành phố cũng đã từng phân làn vào các năm năm 2003, 2006, 2009 với các tuyến đường: Chùa Bộc, Kim Mã, Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt nhưng đều thất bại.

 

Cả 3 lần thí điểm phân làn trước thời gian đầu việc phân làn được người tham gia giao thông chấp hành khá tốt do có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực xử phạt. Tuy nhiên, chỉ sau khi cảnh sát giao thông ngừng xử phạt thì đâu lại vào đó.

 

Thời gian đó, trên tuyến Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, để tách làn cho các phương tiện, Sở Giao thông vận tải đã cho đặt các cọc nhựa mềm giữa 2 làn ô tô, xe máy để tách làn nhưng được một thời gian, các cọc nhựa trên cũng bị đâm đỗ, gãy… Quá nản với giải pháp này, sau đó, Sở Giao thông vận tải thả nổi các tuyến phố phân làn, nên đâu lại vào đó.

 

 

Trong lần thứ 4 phân làn này, các tuyến Kim Mã, Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt đều được tiến hành phân làn lại lần thứ 2 nhưng hiệu quả cũng không khá hơn lần đầu là bao nhiêu. Tình trạng chung ở các tuyến phố phân làn giao thông hiện nay là người tham gia giao thông vẫn cứ mạnh ai lấy đi, xe máy vẫn lấn làn đường của ô tô và ô tô những lúc ùn tắc thì cũng thản nhiên lấn làn của xe máy.

 

Nhận định về giải pháp phân làn đường, tách làn phương tiện của Hà Nội, TS Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc phân làn phương tiện sẽ rất khó khăn trong việc quản lý xe buýt.

 

"Chúng ta cần tổ chức giao thông xe buýt như thế nào cho hợp lý, vì khi ra vào trạm dừng nó sẽ chiếm dụng làn đường xe máy và vô tình đẩy người đi xe máy sang làn đường dành cho ô tô. Lực lượng chức năng phải tổ chức giao thông của xe buýt để hành khách lên xuống thuận tiện, mà không ảnh hưởng tới người tham gia giao thông khác", ông Hùng đánh giá.
   


  Còn TS Vũ Anh Tuấn - giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chính sách giao thông của Nhật Bản tại Tokyo thì cho rằng, việc phân làn, tách dòng phương tiện là cần thiết. 
   
 

Tuy nhiên, việc lựa chọn các tuyến đường để phân làn và phân như thế nào cho phù hợp mới là điểm mấu chốt cho Hà Nội. Cần xét một số yếu tố cơ bản như chức năng của tuyến đường, mật độ xe cộ, tỷ lệ phân bố giữa xe 2 bánh (xe máy cộng xe đạp) với xe cơ giới 4 bánh, ... khi ra quyết định chọn tuyến đường để phân làn.
   


  "Hà Nội thiết nghĩ cũng nên tham khảo bài học của nước ngoài khi tiến hành phân làn đường. Cụ thể, trước mắt nên ưu tiên phân làn các trục đường chính đi vào trung tâm và các tuyến đường vành đai (như Giải Phóng, Phạm Hùng...), nơi hay tắc nghẽn và có tỷ lệ tai nạn chết người rất cao. Với các tuyến phố nội ô đủ rộng chỉ nên bố trí làn đường ưu tiên cho xe máy (nếu đông nhất) hoặc ô tô (nếu đông hơn xe máy", TS Vũ Anh Tuấn nói.

 

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tại thành phố có 8.489 km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp, mặt đường dưới 11m chiếm 70%. Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên 10m) để thực hiện phân làn.

 

Có một điều rất dễ nhận thấy ở các tuyến phố phân làn của Hà Nội hiện nay là nhiều tuyến đường có mặt cắt rất nhỏ, lại là trục lưu thông chính cho nên mỗi ngày luôn thường trực cảnh ùn tắc giao thông cho nên việc phân làn đường ở những tuyến đường quá tải như hiện nay nếu muốn đạt kết quả sẽ rất khó. Khi mà diện tích lòng đường không đủ rộng, thì việc phân làn dường như sẽ là vô ích.

 

Đối với người tham gia giao thông, nếu không được tuyên truyền kỹ trên phương tiện truyền thông hoặc có bảng biển rõ ràng thông báo ở trước tuyến đường phân làn, nhiều khi hết sức bất ngờ và trở nên nguy hiểm trong tình huống vận hành xe khi bắt đầu vào tuyến đường phân làn.

 

Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn đang lên kế hoạch sẽ tiến hành phân làn hết tất cả các tuyến đường của Thủ đô. Trước mắt ngay sau Tết Nguyên Đán, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chi hơn 16 tỷ đồng để phân làn 8 tuyến phố: Kim Mã, Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy), Bắc Thăng Long - Nội Bài.

 

Vẫn biết việc phân làn đường là cần thiết và sẽ rất tốt nếu các tuyến đường đủ rộng nhưng tại sao trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được và lần nào phân làn cũng thất bại, Hà Nội vẫn tính chuyện chi tiền tỷ vào việc đã biết kết quả không như mong đợi?…Như vậy, việc thực hiện phân làn là chưa hợp lý hay do ý thức tham gia giao thông của người dân Thủ đô quá kém? Câu trả lời dành cho bạn đọc, những người cũng đang tham gia giao thông hàng ngày.
 
 
Theo VnMedia.vn

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo