Vì sao Hà Nội dừng triển khai tuyến xe buýt nhanh thứ 2?
Thường xuyên đi trên tuyến xe buýt nhanh BRT 01, ông Trần Văn Thành ở đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông cho biết, mặc dù gọi là xe buýt nhanh, nhưng bình quân mỗi chuyến ông đi từ nhà đến chỗ làm, gần bến xe Kim Mã, quận Ba Đình, mất khoảng 40 phút. So với xe buýt thường, thời gian đi xe buýt “nhanh” này cũng chẳng rút ngắn được là bao.
Dọc hành lang tuyến buýt BRT hiện có 42 điểm dừng. Trong đó, có 10 điểm dừng có cự ly đi bộ tới nhà chờ hơn 200m, gây khó khăn cho hành khách trung chuyển. Hành khách phải đi vòng tới nút giao, sang đường và đi ngược lại nhà chờ. Trong khi đó, lượng khách đi phương tiện này so với xe buýt thường cùng tuyến từ Hà Đông về Kim Mã cũng không đông nhiều hơn, thậm chí nhiều chuyến chỉ có vài người:
"Về mặt kinh tế, vắng khách như vậy là làm ăn không hiệu quả. Chúng tôi là khách đi đường, thấy thực tế như thế, còn điều chỉnh thế nào là do những người có chức năng cần nghiên cứu", ông Thành chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Sỹ Phú, tài xế xe taxi thì bức xúc khi tham gia giao thông cùng tuyến đường mà xe buýt nhanh đi qua. Ông Sỹ cho rằng, những con đường Kim Mã, Lê Văn Lương, Tố Hữu thường xuyên bị ùn tắc, trong khi làn xe dành cho BRT thì để trống. Nếu phương tiện khác đi vào là bị phạt. Đó là điều không hợp lý.
"Theo tôi, giờ cao điểm cần cho các phương tiện khác đi vào cùng làn đường để giải tỏa ách tắc. Chứ hiện nay, trong giờ cao điểm mà làn đường đó chỉ để xe buýt nhanh đi mà đường bên cạnh cứ ùn tắc là không nên", ông Phú nêu ý kiến.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, dù được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng tuyến xe buýt nhanh ở Hà Nội còn nhiều bất cập trong quá trình tổ chức vận hành. Nếu thực hiện được những mục tiêu đề ra ban đầu, thì xe buýt nhanh ở Hà Nội sẽ mang lại nhiều lợi ích kể cả đối với người dân và những lợi ích vĩ mô hơn. Xe buýt nhanh cũng góp phần hỗ trợ người yếu thế và dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông. Nếu so sánh dịch vụ xe buýt nhanh của Hà Nội với các mô hình xe buýt nhanh trên thế giới đã tổ chức thành công, thì chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Trong điều kiện giao thông của Thủ đô còn hạn hẹp như hiện nay, việc thành phố điều chỉnh thời gian và sắp xếp để các phương tiện khác có thể đi vào làn đường này, góp phần khai thác hiệu quả hơn tuyến đường dành cho xe buýt nhanh, tránh lãng phí. Thành phố cần đánh giá lại tính hiệu quả sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh số 01, từ đó tổ chức lại hệ thống giao thông cho hợp lý hơn.
Ông Trần Hữu Minh nói: "Khi đánh giá hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh này, chúng ta không nên dùng chỉ tiêu bình quân mà chúng ta phải xem vào giờ cao điểm thì xe buýt này chở được bao nhiêu phần trăm, điều này rất quan trọng. Còn vào giờ thấp điểm thì không những xe buýt mà tất cả các loại hình vận tải đều có tỷ lệ sử dụng ghế rất thấp. Vận tải công cộng đặc điểm là thế, giờ cao điểm thì phục vụ rất nhiều người, giờ thấp điểm thì việc sử dụng ghế thấp, đó là điều chúng ta phải chấp nhận".
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, sau 1 năm hoạt động, đơn vị này đã thực hiện hơn 124.400 lượt xe, chở gần 5 triệu lượt khách (trung bình 40,1 người mỗi chuyến). Tốc độ của xe buýt nhanh trung bình là gần 20 km/giờ. Hiện nay, xe buýt nhanh đang chạy 5 phút 1 chuyến đối với giờ cao điểm và 10 phút 1 chuyến trong những giờ khác. Trong khi đó, công suất có thể khai thác là 3 phút 1 chuyến.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị này đang đề xuất và thực hiện xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT nhằm giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển 8 tuyến xe buýt nhanh. Mặc dù chưa “chốt” từng tuyến cụ thể, nhưng định hướng sẽ triển khai loại hình vận tải này vào những hành lang có đông người đi, ví dụ như những tuyến có đường sắt trên cao. Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội chưa có đề xuất chính thức với Sở Giao thông vận tải và UBND thành phố về việc xây dựng thêm tuyến xe buýt nhanh số 02 từ Kim Mã đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông Nguyễn Hoàng Hải Khẳng định:"Hiện nay chưa có một kế hoạch và chỉ đạo nào để chúng ta triển khai tuyến BRT 02. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu loại hình này. Khi nào có đủ điều kiện thì chúng ta mới tiếp tục phát triển. Chúng tôi tiếp tục rà soát lại việc tổ chức giao thông trên tuyến. Ban ngày chúng ta có thể cho các xe buýt thường vận hành linh hoạt ở những vị trí cần thiết".
Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, dự án BRT Hà Nội chưa đáp ứng kỳ vọng và mục tiêu khi đặt ra. Mặc dù hiệu quả chỉ cao hơn 20% so với xe buýt thường, nhưng xe buýt nhanh lại chiếm 1/3 diện tích đường của thành phố vốn đã chật hẹp. Công tác xử lý vi phạm các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT của lực lượng chức năng đang gặp phải phản ứng từ người dân, nhất là khi diện tích mặt đường trên tuyến Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ quá hẹp.
Tuy nhiên, nếu cho xe buýt thường đi vào làn đường “ưu tiên” này thì sẽ gây ra sự xung đột về giao thông, bởi xe buýt nhanh được thiết kế cửa bên trái, đón trả khách ở giữa đường. Các chuyên gia cũng cảnh báo, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai các dự án BRT tiếp theo, bởi kinh phí để thí điểm tuyến BRT số 01 vừa qua của thành phố đã tiêu tốn đến hơn 1.000 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đợt không khí lạnh mạnh nhất: Miền Bắc nhiều nơi dưới 1 độ C, Hà Nội lạnh nhất từ đầu mùa đông
Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành
Đà Nẵng: Ba khâu đột phá phát triển du lịch trong 2025
Hiệu quả từ chiến lược phát triển bền vững
Diễn biến không khí lạnh và đợt mưa trái mùa tại Nam Bộ hiện tại thế nào?
Ngăn chặn việc đánh cắp dữ liệu từ hệ thống camera giám sát