Phân tích

Vì sao năng suất lao động Việt Nam suy giảm?

(DNVN) - Bà Victoria Kwakwa Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi con số này ở Trung Quốc là 7%, Hàn Quốc là 5%.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2015), khai mạc sáng 5/12, các chuyên gia đã đưa ra thách thức đối với kinh tế Việt Nam đó là năng suất lao động suy giảm. Báo An ninh thủ đô thông tin.

Năng suất lao động Việt Nam suy giảm là thách thức đối với nền kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như những kết quả quan trọng trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang vấp phải một số vấn đề lớn mà đầu tiên chính là thách thức về năng suất lao động. Những năm gần đây, Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu, nhưng xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần

Bà Victoria Kwakwa phân tích, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc).

Để đối phó với tình trạng này, bà Victoria Kwakwa cho rằng, cần phải tạo ra một khuôn khổ trong một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa nhằm đảm bảo nguồn lực được phân bổ đúng mục đích sử dụng, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất. 

Liên quan đến năng suất lao động, đồng quan điểm trên, ông David Devine - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam cho rằng, hiệu suất lao động kém là do các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, hoạt động dàn trải; sự yếu kém và chậm vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, vì vậy sự cải tổ là cấp thiết.

 

Bà Victory Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tách bạch rạch ròi giữa hoạt động quản lý và hoạt động thương mại. Đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, cải cách hành chính công cũng như cần phải sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả nhằm thu hút lĩnh vực tư nhân. Báo Pháp luật TP.HCM thông tin.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 gặp một số khó khăn ở những năm đầu, nhưng với những hành động quyết liệt của Chính phủ, về cơ bản, các mục tiêu tăng trưởng đều đã được hoàn thành.

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, CPI giảm mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định, giá trị niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng, lãi suất ngân hàng giảm, các mục tiêu an sinh xã hội đảm bảo, tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 5,88% mỗi năm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ. 

Phát biểu tại Diễn đàn,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau khi ban hành Hiến pháp 2013, Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi 40 luật, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách thể chế thị trường nhằm luật hóa nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ. 

 

Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo