Thị trường

Vì sao ngân hàng giảm lãi?

Quý III-2012 kết thúc được gần 1 tháng, nhưng mới chỉ có hơn 10 ngân hàng có báo cáo tài chính. Lợi nhuận ngân hàng đang là bài toán đau đầu trong bối cảnh tín dụng ì ạch tăng trưởng, nợ xấu chưa thuyên giảm mà có dấu hiệu tăng.

Điểm lại kết quả kinh doanh của một số ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố như ACB, Techcombank, Eximbank, Sacombank, DaiABank, BaoVietBank… đều thấy lợi nhuận sụt giảm khá mạnh.
 
Như DaiABank mức giảm lợi nhuận là 47,5%, còn BaoVietBank mức giảm xấp xỉ 85%... Riêng ACB phải chấp nhận báo lỗ do phải gánh khoản lỗ lên tới 1.144 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng ngoại hối.
 
Còn với các ngân hàng khác, lợi nhuận bị tấn công từ nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp, và còn có những khoản thiệt hại do rủi ro tác nghiệp như bảo lãnh khống, đầu tư các lĩnh vực rủi ro qua các công ty con… Trong số các ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo tài chính vẫn còn 2 điểm sáng là VietinBank và Vietcombank.
 
Tuy phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn nhưng lợi nhuận trước thuế Vietcombank tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011.

 

 


 
VietinBank đang dẫn đầu lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng đạt 3.177 tỉ đồng tăng 70% so với cùng kỳ.

“Về nợ xấu, từ trước đến nay ai cũng biết nhưng họ không nói ra hoặc không nói thật. Các ngân hàng có lý do để không nói ra nợ xấu chính xác bởi nhiều ngân hàng muốn làm đẹp sổ sách, tạo lãi ảo. Năm nay, chúng tôi đề nghị ngân hàng thương mại phải làm cho rõ ràng trắng đen”- Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.


Phó tổng giám đốc MaritimeBank Trần Xuân Quảng cho biết, đến thời điểm này lợi nhuận ngân hàng vẫn đạt mục tiêu đề ra. Nhưng kế hoạch lợi nhuận cả năm 2012 có đạt được hay không thì vẫn chưa thể khẳng định được.
 
Ông Quảng cho rằng, từ giờ đến cuối năm thị trường còn nhiều biến động, do vậy, có thể ngân hàng ưu tiên trích lập dự phòng đảm bảo chất lượng
tài sản.
 
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần phân tích: trong thời gian qua nhiều ngân hàng cơ cấu lại nợ bằng cách giãn, hoãn nợ… hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng mặt trái của nó sẽ là nợ xấu có khả năng bị che lấp nếu ngân hàng đó thực hiện không minh bạch.
 
Giảm nợ xấu đồng nghĩa với việc tránh trích lập dự phòng rủi ro từ đó các ngân hàng vẫn đảm bảo được lợi nhuận. Và như vậy sẽ có ngân hàng không báo cáo chính xác tình hình sức khỏe tài chính đặc biệt liên quan đến nợ xấu để lưu giữ “hình ảnh đẹp”.
 
Do vậy, theo vị này, các báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại cần phải được xem xét một cách cẩn trọng, ngay cả khi đã có công bố của kiểm toán tránh trường hợp có “hợp đồng”.
 
Để có con số chính xác đo sức khỏe các ngân hàng, đòi hỏi đầu tiên theo chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, cần sự tự giác của ngân hàng qua các con số cung cấp, đặc biệt trông vào kết quả công ty kiểm toán.
 
“Vẫn biết các ngân hàng phải giữ gìn uy tín thương hiệu nhưng việc che giấu nợ xấu hay làm đẹp sổ sách là điều tối kỵ không được phép làm. Bởi những sai trái đó sẽ không tránh khỏi đối mặt với luật pháp nhưng vấn đề quan trọng nữa liên quan đến đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội không cho phép ngân hàng làm như vậy”- TS Hiếu nói.
 
Nhìn về tương lai năm 2013, nhiều ý kiến quan ngại về bức tranh lợi nhuận ngân hàng. “Nếu vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc không đúng tiến độ, cụ thể là công ty mua bán nợ quốc gia chưa được khởi động xử lý ráo riết nợ xấu thì lợi nhuận của các ngân hàng có thể còn sụt giảm do do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro”, ông Hiếu bình luận.
 
Quan điểm mà chuyên gia này đưa ra là không còn cách nào khác, để cứu lấy mình, chính các ngân hàng phải cắt giảm chi phí tối đa. Việc cho vay hướng vào chất hơn lượng sẽ giúp ngân hàng có nhiều khoản nợ tốt, điều đó đồng nghĩa trích lập dự phòng rủi ro giảm, từ đó tăng “dư địa” cho lợi nhuận.

 

 

Đoàn Huế (Theo Tiền Phong)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo