Vì sao ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị phạt 13 tỷ USD?
Cuối tuần trước, JPMorgan Chase – Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đạt được các thỏa thuận với Bộ Tư pháp để kết thúc chuỗi kiện cáo liên quan đến chứng khoán bảo đảm trước cuộc khủng hoàng tài chính tại Mỹ. JPMorgan đồng ý trả một khoản tiền bồi thường và tiền phạt khổng lồ lên tới 13 tỷ USD.
Con sâu làm rầu nồi canh
Vài năm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng của Mỹ đã cung cấp các dịch vụ thế chấp nhà cá nhân trị giá hàng nghìn tỷ USD và đưa ra các khoản đầu tư cho những người quan tâm để tận dụng thị trường nhà đất đang nóng. Song, có một số lượng lớn các khoản thế chấp có chất lượng đáng ngờ cho những người mua nhà tiềm năng có tín dụng yếu hoặc không cần xác nhận thu nhập.
Nhiều khoản thế chấp trong trong số này sau đó đã được hai công ty thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac mua lại. Chính phủ cho biết các công ty giao dịch của ngân hàng JPMorgan đã gian dối Fannie và Freddie về chất lượng của các khoản vay mua trong các khoản thế chấp từ năm 2005 đến năm 2007.
Khi bong bóng nhà đất bùng nổ và tài sản thế chấp bắt đầu đến giai đoạn thu hồi ồ ạt, Fannie và Freddie đều bị thiệt hại hàng tỷ USD và không đủ khả năng chi trả. Chính phủ Mỹ đã phải chi 187,5 tỷ USD để cứu trợ hai công ty này và đây được coi là một trong các gói cứu trợ lớn nhất trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Người đứng mũi chịu sào
JPMorgan Chase cho biết 80% tổn thất từ các khoản vay có vấn đề là từ Bear Stearns và Washington Mutual, hai công ty JPMorgan đã mua lại tại thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính.
Tháng 3/2008, Bear Stearns, tập đoàn môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall, được bán cho ngân hàng này với cái giá bèo bọt 2USD/cổ phiếu, khi công ty này trên bờ vực phá sản. Chính quyền liên bang, bao gồm cả Kho bạc và Cục Dự trữ Liên bang, đều thúc đẩy thương vụ này với hy vọng người mua nó có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong thị trường tài chính. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn xảy ra sáu tháng sau khi Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản.
Cuối năm 2009 – thời kỳ khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, JPMorgan đã mua lại Washington Mutual, hiệp hội cho vay và tiết kiệm lớn nhất nước Mỹ tại thời điểm đó và cũng là người cho vay thế chấp lớn, cũng với mức giá rẻ mạt.
Chi phí dân sự hay chi phí hình sự?
Thỏa thuận được đề nghị chỉ bao gồm chi phí dân sự. Thỏa thuận này không giải quyết được vấn đề liệu có ngân hàng nào tham gia vào hành vi phạm tội?
JPMorgan ban đầu tìm cách tránh các cáo buộc hình sự như một phần trong thỏa thuận này, nhưng đã bị chính quyền liên bang từ chối.
Do đó, hầu hết các khoản tiền phạt lớn được thanh toán bởi các ngân hàng trong thỏa thuận này chỉ để giải quyết các chi phí dân sự. Số tiền phạt bao gồm gần 1 tỷ USD mà JPMorgan đồng ý trả vào đầu năm nay liên quan đến tổn thất do gian lận trong giao dịch London Whale gây ra.
Theo một quan chức Mỹ, 9 tỷ USD thanh toán là tiền xử phạt và 4 tỷ USD là bồi thường cho khách hàng, bao gồm chi phí thay đổi các khoản vay nhà.
Một tranh cãi khác là ai sẽ được hưởng số tiền bồi thường này? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng dù đối tượng nào được nhận số tiền này đi nữa, cuối cùng nó cũng sẽ được quy về quỹ chung của Bộ Tài chính.
JPMorgan không điêu đứng vì nộp phạt
13 tỷ USD thực sự là số tiền phạt khổng lồ, song với khả năng tài chính của JPMorrgan, ngân hàng này vẫn có khả năng chi trả một cách dễ dàng. Đây là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, với tài sản trị giá 2500 tỷ USD, trong khi đó lợi nhuận sau thuế năm 2012 đã là 21,3 tỷ USD.
Đầu tháng này, các ngân hàng tiết lộ đã dành khoảng 23 tỷ USD để xử lý các chi phí pháp lý. Những chi phí pháp lý này khiến ngân hàng này phải báo cáo lỗ trong quý gần đây nhất. Nhưng cổ phiếu của JPMorgan (JPM, Fortune 500) vẫn tăng hơn 20% trong năm nay.
Bất chấp vụ bê bối này, Dimon vẫn giữ chức Giám đốc điều hành tại JPMorgan.
Dương Hương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo