Tin tức - Sự kiện

Vì sao tháng 7 âm lịch được gọi là tháng "cô hồn"?

(DNVN) - Theo quan niệm dân gian, con người sau khi chết sẽ trở thành những vong hồn. Vì thế, tục lệ cúng “cô hồn” trong tháng 7 âm lịch để không bị quấy phá.

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm được coi là tháng của ma quỷ hay tháng cô hồn. Cách gọi này có nguồn gốc từ xa xưa, đến nay vẫn được sử dụng nhưng ít người hiểu hết được ý nghĩa.

Từ xa xưa, người Việt quan niệm con người có hai phần đó là phần hồn và phần xác. Tùy theo lúc còn sống và những việc mà người đó làm dẫn đến khi mất đi, phần hồn sẽ tách khỏi phần xác mà được đầu thai thành kiếp khác hay xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Và cúng cô hồn từ đó mà xuất hiện.

Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan. Ảnh Internet.

Cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những vong linh ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

Dưới góc độ Đạo giáo, thì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ cổ tích Trung Quốc. Cũng như trên trần thế, có vua cai quản đất nước, thì người Trung Quốc tin rằng, thế giới sau khi chết cũng sẽ có người cai quản – đó chính là Diêm Vương. Và vào ngày 2/7 âm lịch đến 12h đêm ngày 14/7 âm lịch, là thời gian Diêm Vương ân xá cho các vong linh, ma quỷ về thăm trần gian. Vì thế để tránh bị quấy phá, người dân thường tổ chức cúng “cô hồn” vào giai đoạn này. 

Định nghĩa tháng 7 âm lịch trong Phật giáo dù cũng thiên nhiều về các vong hồn nhưng có phần nhân văn hơn. Trong tích của kinh Phật kể rằng, một đệ tử Phật khi đang thiền thì gặp vong hồn quỷ đói. Con quỷ này bảo rằng nếu không cứu đói nó thì nó sẽ không luân hồi được và hại chết người để được đầu thai. 

Chính vì thế, Phật liền soạn ra một bài kinh để mở đường, dẫn lối siêu thoát cho quỷ dữ, để chúng không gây hại cho bá tánh trên thế gian. 
Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung. Lễ cúng dần dần thành xá tội vong nhân – thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia… 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo