Vì sao thương hiệu Việt bị đánh cắp công khai?
Việc xây dựng thương hiệu đã khó, giữ và phát huy hiệu quả thương hiệu còn khó khăn hơn trong thời buổi cạnh tranh ngày nay, đặc biệt khi gia nhập vào thị trường quốc tế. Khi vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, thương hiệu sẽ phải đối mặt với những thách thức khi gia nhập một thị trường mới. Bảo hộ thương hiệu là một trong những vấn đề mà Việt Nam thường xuyên gặp khó khăn và thách thức.
Đây cũng là một trong những chủ đề được giới thiệu tại Tọa đàm “Thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế” diễn ra sáng ngày 14/3 tại Hà Nội.
TS. Vũ Trí Dũng, giảng viên marketing ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định, hiện nay, vấn đề bảo hộ thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế chưa được chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp các sản phẩm thương hiệu Việt Nam bị đánh cắp hoặc làm nhái. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn coi nhẹ việc đăng ký bảo hộ và đầu tư cho hoạt động thương hiệu chưa được thỏa đáng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm.
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều các thương hiệu Việt Nam đã bị làm nhái, đánh cắp như Kẹo dừa Bến Tre năm 1998; Vinataba, Trung Nguyên, Vifon,.. năm 2001 phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia. Mới đây nhất là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một doanh nghiệp tại Trung Quốc đăng ký bảo hộ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn của Việt Nam; sau khi bị kiện đã phải trả lại thương hiệu này.
Theo TS. Vũ Trí Dũng, chính phủ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu Việt. Theo đó, chính phủ nên đảm bảo bảo hộ thương hiệu ngay tại thị trường nội địa, phát huy vai trò của các công ty luật. Bên cạnh đó, cần xây dựng hành vi tôn trọng pháp luật của doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong mọi hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chính phủ cũng cần ký kết và thực hiện các thỏa thuận, nghị định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu và có vai trò trong giải quyết tranh chấp trên thị trường quốc tế.
Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Fabienne Berger-Remy (trường IAE de Paris) trao đổi về các vấn đề liên quan đến văn hóa khi tiếp cận khái niệm thương hiệu toàn cầu. Theo đó, các công ty quốc tế cần nhận thức được sự khác biệt giữa các nền văn hóa và hành vi người tiêu dùng để có thể cạnh tranh được trong bối cảnh kinh doanh ngày nay.
Buổi tọa đàm cũng có sự góp mặt của ông Phan Văn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Kinh đô Miền Bắc chia sẻ hoạt động kinh doanh và chiến lược tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua thâm nhập tất cả các kênh phân phối trực tiếp hoặc gián tiếp người tiêu dùng tại nước ngoài của công ty./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo