Quốc tế

Vì sao Triều Tiên mạnh miệng tuyên bố đánh chìm tàu sân bay Mỹ?

Các chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi về khả năng tiêu diệt tàu sân bay Mỹ của Triều Tiên.

Khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson sắp đến bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng tuyên bố ngày 23/4 rằng sẵn sàng không kích nhấn chìm tàu Mỹ để khẳng định sức mạnh, theo tin tức trên báo Zing.vn.

"Quân đội chúng ta đã sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay hạt nhân của Mỹ chỉ với một đợt không kích. Đây sẽ là thí dụ điển hình để chứng tỏ sức mạnh của lực lượng chúng ta", báo Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, viết ngày 23/4.

Bài báo được đăng ở trang 3, sau khi 2 trang đầu dành để tường thuật về chuyến thị sát trang trại của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Trước tuyên bố này, các chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi về khả năng tiêu diệt tàu sân bay Mỹ của Triều Tiên, theo tin tức trên báo VnExpress.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami chỉ ra rằng Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng quân đội đông nhất thế giới với 1.190.000 binh sĩ thường trực. Đây là con số hết sức ấn tượng với một quốc gia có dân số chỉ khoảng 25 triệu người. Tuy nhiên, nước này hầu như không có khả năng triển khai sức mạnh ra ngoài biên giới để đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa diệt hạm được cho là cách tốt nhất để đánh chìm tàu sân bay Mỹ, tuy nhiên hầu hết các loại tên lửa diệt hạm mà Triều Tiên đang sở hữu đều được phát triển từ mẫu P-15 Termit của Liên Xô và SY-1 (Silkworm) của Trung Quốc.

P-15 Termit là một trong số các dòng tên lửa diệt hạm đầu tiên trên thế giới, được phát triển từ thập niên 1960, từng đánh chìm khu trục hạm Eilat của Israel vào năm 1967. Đầu đạn bán xuyên giáp nặng 450 kg của P-15 và SY-1 có thể gây hư hại nặng cho thân tàu sân bay.

Tuy nhiên, những tên lửa này đã quá lạc hậu, dễ bị vô hiệu hóa bởi hệ thống phòng không và chế áp điện tử hiện đại. Tầm bắn dưới 80 km của P-15 còn ngắn hơn cả phạm vi hoạt động của tiêm kích trên tàu sân bay. Các tàu chiến Mỹ chỉ cần giữ khoảng cách an toàn ngoài khơi để triển khai tấn công.

Năm 2014, Triều Tiên công bố một loại vũ khí mới hơn, được cho là phiên bản sao chép của tên lửa diệt hạm 3M24 Uran do Nga chế tạo. Mẫu tên lửa này có cơ hội đánh trúng tàu sân bay cao hơn, nhưng chúng vẫn bị hạn chế về tầm bắn trong khoảng 130-260 km. Triều Tiên dường như chưa có khả năng phóng loạt lớn tên lửa này để vượt qua lưới phòng thủ của tàu sân bay.

 

Cách thứ hai để đánh chìm tàu sân bay Mỹ là sử dụng chiến đấu cơ mang bom và rocket. Tiêm kích hiện đại nhất của Triều Tiên là MiG-29, với số lượng khoảng 17-35 chiếc. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có tuổi thọ gần 30 năm và không có linh kiện thay thế.

Giới chuyên gia cho rằng không quân Triều Tiên chỉ có 5 chiếc MiG-29 còn khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nước này còn có 35 cường kích Su-25, nhưng chúng không được trang bị vũ khí có uy lực. Trên lý thuyết, MiG-29 và Su-25 có thể tấn công tàu sân bay, nhưng Triều Tiên phải cân nhắc trước khi sử dụng. Chúng thường phù hợp với nhiệm vụ yểm trợ bộ binh trên mặt đất hơn là tấn công tàu sân bay.

40 máy bay này có thể gây thiệt hại, làm gián đoạn hoạt động chiến đấu của tàu sân bay Mỹ, nhưng không thể đánh chìm nó. Khi đối mặt với 4 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không Aegis, phi cơ Triều Tiên gần như không có cơ hội sống sót.

Mối đe dọa tiếp theo của Triều Tiên đối với tàu sân bay Mỹ chính là hạm đội tàu ngầm hơn 70 chiếc, gồm 20 tàu Đề án 633 (lớp Romeo), hơn 40 tàu ngầm lớp Sang-O và 10 tàu ngầm hạng trung lớp Yono, trong đó có nhiều tàu có khả năng phóng ngư lôi hạng nặng.

Tuy nhiên, USS Carl Vinson luôn có lực lượng tàu chiến, tàu ngầm cảnh giới, có thể dễ dàng phát hiện tàu ngầm Triều Tiên. Tàu sân bay Mỹ cũng có kích thước lớn, sử dụng kết cấu vỏ kép để tăng khả năng sống sót trước ngư lôi đối phương.

 

Vũ khí uy lực nhất Triều Tiên đang sở hữu có thể là 12 đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt cực lớn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa chứng tỏ được khả năng thu nhỏ chúng để đưa vào tên lửa đạn đạo Hwasong-7 tầm bắn gần 1.000 km để tấn công tàu sân bay.

Ngay cả khi được gắn đầu đạn hạt nhân, tên lửa Hwasong-7 lại không có hệ thống dẫn đường chính xác, khiến chúng khó có thể bắn trúng tàu sân bay liên tục di chuyển trên biển.

Vấn đề hóc búa nhất với Triều Tiên là xác định vị trí tàu sân bay trên biển. Bình Nhưỡng có các trạm radar bờ biển, nhưng phạm vi bao phủ của chúng rất hạn chế. Tàu sân bay Mỹ có thể dễ dàng thoát ly khỏi tầm hoạt động của các tổ hợp radar này. Bên cạnh đó, biên đội tàu sân bay chắc chắn sẽ bắn hạ các hệ thống trinh sát, cảm biến Triều Tiên trước khi chúng tiếp cận.

Cách an toàn nhất để phát hiện tàu sân bay là sử dụng vệ tinh, nhưng Bình Nhưỡng chưa có khả năng này, nên họ không thể theo dõi hành trình chính xác của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson để tung ra đòn đánh chính xác.

"Việc đe dọa tiêu diệt tàu sân bay Mỹ có thể chỉ là tuyên bố mạnh miệng như thường thấy của Triều Tiên, chứ thực tế họ chưa có khả năng này", chuyên gia Mizokami kết luận.

 

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử hạt nhân trong năm ngoái và thử tên lửa cách đây một tuần. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ ngăn việc Triều Tiên tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Zing.vn, VnExpress)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo