Thị trường

Vì sao trong khủng hoảng, kinh tế Ba Lan năng động nhất châu Âu?

Trong khi phần lớn các quốc gia ở châu Âu đang phải vật lộn với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Ba Lan lại nổi lên như một điển hình thành công về kinh tế và trở thành nền kinh tế năng động nhất châu Âu.

Kinh tế Ba Lan vẫn khởi sắc trong khi các nước trong Liên minh châu Âu trải qua thời kì suy thoái kinh tế sâu sắc. Ảnh: Getty.

Năm 2009, trong khi GDP của Liên minh châu Âu (EU) giảm 4,5%,  Ba Lan là quốc gia duy nhất ghi nhận tăng trưởng kinh tế thêm 1,6%. Nền kinh tế của EU hiện nay không phát triển bằng thời kì đầu năm 2009 và không có nhiều kì vọng phục hồi cho tới cuối năm 2014. Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, nền kinh tế Ba Lan lại khởi sắc nhờ tăng trưởng lũy kế hơn 16%.

Có rất nhiều nhân tố giúp Ba Lan, quốc gia với khoảng 38,5 triệu dân và hơn 200 năm lịch sử bi tráng, đạt được vị thế khiến các nước khác phải ngưỡng mộ. Vị thế của Ba Lan trong EU cũng tăng lên với vai trò trung gian trong suốt các buổi đàm phán gay cấn về tái cân bằng khu vực EU.

Chính sách hoạch định khôn ngoan

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, các nhà lãnh đạo Ba Lan đã thực hiện một loạt các cải cách “đau đớn” để thúc đẩy kinh tế. Câu chuyện kì diệu mang tên Ba Lan là một minh chứng cho tầm quan trọng của các chính sách hoạch định khôn ngoan.

Khi Bức Màn Sắt được kéo xuống, Ba Lan đã làm mới mình theo mô hình kinh tế tự do. Nhờ đó, từ năm 1989 tới năm 2007, nền kinh tế của Ba Lan tăng trưởng 177%, vượt xa các quốc gia khác ở Đông và Trung Âu. Nền kinh tế càng được tiếp nhiên liệu hơn nữa khi Ba Lan gia nhập EU năm 2004.

GDP của Ba Lan qua các năm. Ảnh: Bloomberg BusinessWeek.

Kích thước kinh tế tăng gấp 3 lần nhờ kết quả của một loạt các biện pháp của chính phủ. Kiểm soát giá được dỡ bỏ, thương mại được giải phóng, đồng tiền của Ba Lan - đồng zloty được chuyển đổi. Các chính sách này đã khiến hàng triệu người mất việc nhưng cần thiết để giải phóng Ba Lan cho quá trình phục hồi sau nhiều thập kỉ quản lý yếu kém.

Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính, gánh nặng nợ công của Ba Lan là gần 50% GDP, thấp hơn so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu.  Một phần là nhờ hiến pháp năm 1997 đã hạn chế vay mượn chính phủ tới 60% GDP. Nợ của các doanh nghiệp và cá nhân cũng tương đối hạn chế và được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các quy định tài chính.

Chuyên gia kinh tế Leszek Balcerowicz, cựu chủ tịch Ngân hàng quốc gia Ba Lan, cho biết: “Các quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất bởi khủng hoảng tài chính năm 2008 là những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng không bền vững”.  Balcerowicz chính là người đã đưa ra những cải cách quan trọng nhất giúp Ba Lan thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Hậu thuẫn từ EU

Ba Lan có chung nhiều đặc điểm về kinh tế với các quốc gia láng giềng ở Trung và Đông Âu. Tất cả các quốc gia này đều phải trải qua thời kì suy thoái sâu nếu không nói là trầm trọng trong những năm đầu của khủng hoảng.

Tuy nhiên, Ba Lan đã có một lợi thế đáng kể: quốc gia này là người thụ hưởng lớn nhất của chương trình hỗ trợ của EU khi mà các thành viên khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính. Chính lợi thế này đã thúc đẩ tiêu dùng nội địa và bảo vệ nền kinh tế của Ba Lan.

Ngân sách của EU trong giai đoạn 2007-2013, với mục tiêu phân phối viện trợ từ các nước giàu cho những thành viên nghèo hơn, đã giúp Ba Lan trở thành người thụ hưởng lớn nhất với số tiền cứu trợ lên tới 101,5 euro (tương đương với 137 tỷ USD).

Gavin Rae, giảng viên tại trường đại học Kozminski cho biết: “Trong khi các nước khác thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, tiêu dùng chính phủ của Ba Lan lại tăng lên. Do đó, tại thời điểm của khủng hoảng, Ba Lan đã sẵn sàng đặt chân lên bàn đạp”.

Cùng với đó, Ba Lan đã thực hiện chính sách cắt giảm thuế từ 40% xuống còn 32% - tỷ lệ giảm thuế cao nhất trong lịch sử quốc gia này. Sự kết hợp giữa tăng chi tiêu chính phủ và cắt giảm thuế của Ba Lan đã giúp phục hồi một nửa nền kinh tế.

Donald Tusk và tham vọng gia tốc tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên, nền kinh tế Ba Lan cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Từ tháng 9/2008 tới tháng 2/2009, đồng zloty mất khoảng 1/3 giá trị so với đồng euro, trước khi ổn định một năm sau đó với khoảng 70% giá trị so với thời điểm có giá trị cao nhất. Tính theo đồng euro, giá trị xuất khẩu của Ba Lan giảm 15,5% từ năm 2008 – 2009, nhưng giá trị đồng zloty tăng 4,4%. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì khá cao khoảng 10,3%.

Bên cạnh đó, Ba Lan vẫn phải giải quyết những thách thức tài khóa bị trì hoãn trong thời gian dài. Gần đây, Ba Lan đã thay đổi hệ thống lương hưu nhằm mục tiêu cân bằng bảng cân đối tài sản, trong đó các quỹ tư nhân được nhập vào hệ thống nhà nước.

Thủ tướng Donald Tusk gần đây đã cải tổ lại nội các của ông, sa thải bộ trưởng tài chính và cam kết “gia tốc tăng trưởng kinh tế”.

Mặc dù còn rất nhiều vấn đề tồn đọng, người dân Ba Lan vẫn có nhiều lý do để lạc quan về tương lai của mình. Tăng trưởng năm 2014 của Ba Lan được dự kiến là 2,5%, nhờ có những tín hiệu phục hồi của nhiều quốc gia trong khu vực EU, đặc biệt là Đức – thị trường chiếm khoảng 25% giá trị xuất khẩu của Ba Lan.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo