Thị trường

Vì sao Trung Quốc bị các doanh nghiệp Mỹ, Nhật và châu Âu từ chối?

Các công ty châu Âu đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, do lợi nhuận đi xuống và Chính phủ ưu tiên doanh nghiệp địa phương.

Bị phân biệt đối xử

Tờ Vnexpress đưa tin, báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc cho biết, các công ty châu Âu đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, do lợi nhuận đi xuống và Chính phủ ưu tiên doanh nghiệp địa phương. Hơn một nửa doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết "kỷ nguyên vàng" tại Trung Quốc đã qua.
 
Các công ty thành viên của EuroCham đã mất 21,3 tỷ euro (29 tỷ USD) doanh thu năm 2013 do các rào cản chính sách khi gia nhập thị trường Trung Quốc. "Các công ty đa quốc gia bắt đầu bi quan về tương lai và băn khoăn liệu thời kỳ tốt nhất đã chấm dứt hay chưa", báo cáo cho biết.
 
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc thông báo các kế hoạch cải tổ đầy tham vọng. Trong đó, nước này sẽ chuyển dịch nền kinh tế sang tăng trưởng cân bằng, chậm và bền vững hơn. Tuy nhiên, có đến một nửa các doanh nghiệp Châu Âu không tin Trung Quốc sẽ thực sự thi hành các biện pháp này trong 2 năm tới.
 
Các công ty châu Âu đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, do lợi nhuận đi xuống và Chính phủ ưu tiên doanh nghiệp địa phương.
 
Hai thách thức lớn nhất với các công ty là suy giảm kinh tế và chi phí nhân công tăng. "Hai phần ba các công ty lớn cho biết môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp coi công ty quốc doanh là đối thủ chính", Chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc - Joerg Wuttke cho biết.
 
Lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài thường than phiền về khả năng tiếp cận thị trường và nhiều thách thức khác tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ thường phải thông qua các phòng thương mại để biểu đạt ý kiến của mình, do lo ngại bị gây khó dễ.
 
Các công ty cho biết họ thường bị phân biệt đối xử vô lý khi đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Chính phủ, hoặc phải nhượng bộ về sở hữu trí tuệ để đổi lấy quyền gia nhập một số lĩnh vực.
 
Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang đàm phán một hiệp ước thương mại song phương. Tuy nhiên, châu Âu cho biết họ sẽ không có hứng thú với thỏa thuận này nếu nó bỏ qua các biện pháp nhằm mở cửa một số lĩnh vực từ lâu đã hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài.
 
Nhật, Mỹ "chán" Trung Quốc
 
Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa qua cho biết, cả năm 2013, doanh nghiệp nước này chỉ đầu tư 9,09 tỷ USD vào Trung Quốc, giảm 33% so với 2012 và chiếm 6,8% tổng mức đầu tư ra nước ngoài của Nhật năm 2013.
 
Giáo sư Ding Yibing thuộc khoa Kinh tế, Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) cho hay xu hướng giảm đầu tư từ Nhật đã kéo dài 3 năm.
 
Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc (ITAC) Li Tie nhận định đầu tư đang chịu ảnh hưởng bởi quan hệ giữa hai nước. "Những tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku khiến tình hình tệ hơn", ông Li nói.
 
 
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã thổi bùng ngọn lửa bài Nhật ở Trung Quốc.
 
Theo ông Minoru Arahata, Giám đốc JETRO chi nhánh Đại Liên, chi phí đất đai và lao động Trung Quốc đang tăng khiến doanh nghiệp Nhật Bản hướng sang thị trường có chi phí rẻ hơn như Đông Nam Á. Giám đốc quản lý JETRO, Masahito Tasuda cho rằng không chỉ vấn đề nhân công mà những bất đồng chính trị giữa hai nước cũng là một lý do.
 
Còn với Mỹ, kết quả cuộc khảo sát ý kiến 200 nhà quản lý cấp cao do tổ chức The Boston Consulting Group (BCG) tiến hành cho thấy, có 1/2 tổng số công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc có kế hoạch thu hồi sản xuất về Mỹ hoặc đang xem xét phương án kinh doanh của mình ở ngoài Trung Quốc.
 
Theo lý giải của ông Aleksandr Larin chuyên viên Viện Nghiên cứu Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga), nguyên nhân đầu tiên là do Trung Quốc không còn là một quốc gia có giá lao động rẻ như trước.
 
Mức lương cơ bản của lao động Trung Quốc giờ đây đã không còn kém nhiều so với các lao động của các nước đã phát triển trong khi năng suất và hiệu quả lao động lại thấp hơn hẳn.
 
Thêm vào đó, ông Aleksandr Larin cho rằng: “Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn tất cả các nước khác trên thế giới. Về tổng khối lượng kinh tế, GDP của Trung Quốc đã xấp xỉ Mỹ. Thực tế hầu như tất cả các chuyên viên đều dự đoán rằng Trung Quốc chẳng mấy chốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ nhất về GDP, có nghĩa là sẽ vượt mặt Mỹ.
 
Đương nhiên điều này khiến người Mỹ chẳng thích thú gì. Cả những tiểu thị dân bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, cả các nhà kinh doanh đều không vui mừng khi hình dung viễn cảnh Hoa Kỳ bị xuống vị trí thứ hai.
 
Hoàn toàn có khả năng là tình trạng này thức tỉnh xúc cảm yêu nước của người Mỹ đến hành động. Hiển nhiên, tinh thần đó hòa trộn chung với lợi ích kinh tế, khi chứng kiến Trung Quốc đang tước đi lợi thế cạnh tranh của đất nước mình”.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo