Tin tức - Sự kiện

Vì sao vẫn còn 40% dân số nhiễm lao?

Như Báo Lao Động đã đưa tin, 40% dân số Việt Nam bị nhiễm lao. Đây là con số đáng báo động, vì Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách 12/22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất toàn cầu. Tại sao nhiều nước đã khống chế được căn bệnh này thì tại Việt Nam, mỗi năm vẫn còn 30.000 trường hợp tử vong…

Cảnh báo nguồn phát lao từ người giấu bệnh!

 

Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh, chị N - 48 tuổi, ở Bình Dương - đến khám lao và các bác sĩ dựa vào kết quả cận lâm sàng kết luận chị đã bị nhiễm vi trùng lao. Tuy nhiên, chị N khi nói chuyện với mọi người xung quanh đang chờ khám bệnh vẫn nói “oang oang” không có khẩu trang và cười như lúc chưa có bệnh. Chúng tôi đeo khẩu trang đến phỏng vấn thì được biết, chị N quê ở Nam Định, vào Bình Dương thu mua phế liệu và thuê phòng trọ. Hỏi về cách tránh lây lao cho mọi người, đặc biệt là người thân, chị N hồn nhiên: “Có sao đâu, lâu nay vẫn tiếp xúc với mọi người và chẳng thấy ai bị gì cả!”.

 

Chị N là một trong số ít bệnh nhân hiếm hoi thừa nhận mình mắc lao. Đa phần còn lại, khi phóng viên phỏng vấn, họ vẫn mang khẩu trang, ho rũ nhưng vẫn khẳng định mình không mắc lao. Khi hỏi tên, địa chỉ trú ngụ, bệnh nhân này nhất quyết không trả lời với lý do: “Nếu tôi nói bị mắc lao là không ai dám làm ăn với tôi. Kinh tế gia đình hiện chỉ trông mong vào một mình tôi”. 

 

Một trường hợp khác nhiễm lao đó là cháu bé mới sáu tháng tuổi, con của chị V ở TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân lây nhiễm cho cháu bé phát xuất từ chị V đã mắc bệnh từ trước nhưng không biết. Tại phòng khám lao của bệnh viện, chị V không màng đến bệnh của mình và cách điều trị như thế nào, nhưng lại thắc mắc với các bác sĩ: Tại sao cháu bé sau khi sinh đã chích ngừa lao rồi mà vẫn bị nhiễm?

 

Đây là ba trường hợp điển hình bị nhiễm lao mà PV Báo Lao Động ghi nhận được tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, để trả lời cho câu hỏi tại sao số người mắc lao tại Việt Nam nằm trong danh sách các nước mắc lao cao nhất trên thế giới.

 

Rào cản phòng, chống vì ý thức… kém

 

Theo PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia - mỗi năm, số bệnh nhân lao mới mắc tại Việt Nam khoảng 200.000 người và số bệnh nhân tử vong do bệnh này gần 30.000 người. Tổng số bệnh nhân lao hiện mắc tại VN là 300.000 trường hợp. Tỉ lệ lao đa kháng thuốc là 2,7%. Ước tính, có khoảng 5.000 – 6.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc.

 

Theo điều tra mới nhất, tại Việt Nam, cứ năm người thì có hai người nhiễm lao nhưng chưa thành bệnh. Hay nói một cách tổng quát thì tỉ lệ người mắc lao tiềm ẩn của dân số Việt Nam là khoảng 40%. Khi hệ miễn dịch của những đối tượng này kém đi hoặc đến tuổi trung niên, bị cao huyết áp, tiểu đường... sức đề kháng giảm là vi khuẩn lao có cơ hội trỗi dậy. Nếu họ không được điều trị kịp thời thì đây chính là mối nguy lớn làm lây lan căn bệnh này trong cộng đồng.

 

Theo BS Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh - lao lây truyền qua tiếp xúc và có thể lây lan qua không khí. Vì thế, khi người nhiễm ho, hắt hơi, cười, khạc nhổ hay hát hò, vi khuẩn sẽ đi vào không khí và người khác dễ dàng bị lây nhiễm khi đụng phải, hít phải.

 

Lao là căn bệnh nguy hiểm mà thế giới phải đặt mục tiêu giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ chết; tuy nhiên, theo Chương trình chống lao quốc gia, trên thực tế, 7% số người mắc bệnh lao không điều trị do tâm lý e ngại. Điều này đã dẫn đến hệ quả, bệnh lao dễ chữa cũng trở thành khó chữa. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc phòng, chống lao sẽ không dễ thực hiện khi chỉ có một mình cán bộ y tế “đơn thương độc mã” thực hiện. Cách phòng, chống lao hữu hiệu nhất hiện nay chính là huy động lực lượng phòng, chống bệnh bằng cách tuyên truyền hữu hiệu để nâng cao ý thức người dân, mặt bằng trình độ dân trí. Bởi vì mấu chốt của việc phòng, chống lao chính là “ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người trong cộng đồng”!

 

Theo LĐ

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo