Thị trường

Vì sao Việt Nam liên tục nhập siêu từ ASEAN?

Từ năm 2010 đến 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt giá trị thương mại từ 2,8 tỷ USD đến 5,2 tỷ USD với các nước ASEAN.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu từ các nước ASEAN.

Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức hội nhập hoàn toàn và đầy đủ vào các cơ chế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu hàng của Việt Nam vào thị trường này kể từ khi AEC được thiết lập kể từ năm 2010. Tuy nhiên, liên tục 4 năm từ năm 2010 cho đến nay, Việt Nam nhập siêu từ các nước ASEAN.
 
Liên tiếp nhập siêu
 
Về xuất khẩu, các DN Việt Nam dường như chưa mặn mà với thị trường này. Qua kim ngạch 4 năm qua, ASEAN luôn chỉ xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu, đứng sau Mỹ và EU, trong khi đó dân số của ASEAN đông gần gấp đôi Mỹ (318 triệu người, thống kê tháng 7/2014) và hơn 100 triệu người so với 17 nền kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) cộng lại (505 triệu người năm 2013).
 
Bên cạnh đó, Việt Nam còn gần gũi về địa lý, được hưởng các chính sách miễn thuế xuất khẩu vào 6 nước phát triển hơn và đặc biệt là quy mô dân đông, tỷ lệ tiêu dùng của các quốc ASEAN được đánh giá cao hàng bậc nhất khu vực.

Trái ngược với vị trí thứ 3 về xuất khẩu, thì trong 4 năm ASEAN luôn là thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu của các nước ASEAN tập trung chủ yếu là cơ khí, máy móc, thiết bị và thực phẩm. Các quốc gia mà Việt Nam luôn thâm hụt cán cân thương mại (nhập siêu) là Thái Lan và Singapore.

Với việc nhập siêu liên tiếp nhiều năm, thì rất có thể sau khi gia nhập đầy đủ, chúng ta sẽ khó đạt được những kỳ vọng biến ASEAN thành một trong những thị trường xuất khẩu chính được.

T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Việt nam và 3 nước khác gia nhập toàn diện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 nhưng trước đó năm 2010, 6 nước phát triển đã hiện thực hóa một số điều khoản của AEC rồi. Chúng ta xuất phát chậm hơn họ 5 năm, trong khi cộng đồng doanh nghiệp có đến hơn 60% chưa quan tâm đến AEC; đi sau nhưng tốc độ hội nhập chậm, khả năng nắm bắt thời cơ kém, bị động sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam yếu thế trước sự chủ động của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ASEAN.

Dễ người nhưng khó ta

Cũng tập trung lý giải nguyên nhân có lợi thế nhưng DN Việt Nam chưa tận dụng được, các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra những tồn tại như: thị trường bị xé lẻ bởi chênh lệch thu nhập, đặc tính thương mại khác biệt; các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh các quốc gia xung đột nhau; những bất lợi của nước đi sau, doanh nghiệp đi sau…

Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, dù các yêu cầu hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn không khắt khe như thị trường lớn nhưng có lợi cho ta cũng có lợi cho nhiều nhà xuất khẩu khác, nhất là khi ASEAN ký kết nhiều hiệp định tự do song phương với nhiều đối tác ngoài khu vực. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, cơ hội và lợi thế đang chia đều cho các đối tác khác nhau.

Hiện mặt hàng thế mạnh nhất của Việt Nam xuất sang các nước ASEAN là gạo, thủy sản và 1 số sản phẩm cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều. Tuy nhiên, hiện hàng điện tử tiêu dùng của Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang xấm lấn khá mạnh thị trường Việt với những tên tuổi nhưu: Toshiba, Hitachi, Sharp, LG… với mức giá rẻ hơn từ 5% - 10% giá mặt hàng cùng loại liên doanh trong nước.

Mặc dù dân số đông, tiêu dùng cao nhưng trình độ phát triển kinh tế không đồng đều và bị phân hóa chi tiêu. Thu nhập đầu người cao chủ yếu ở các nước ASEAN – 6, trong đó có Singapore, Brunay, Malaysia, Thái Lan, các nước còn lại thu nhập bình quân/ người ở mức trung bình thấp của thế giới. Các nước có thu nhập cao, dân số ít và tiêu chuẩn của người tiêu dùng khắt khe. Các nước thu nhập thấp dân số đông và có như cầu mua sắm cao nhưng ở những hàng hóa cấp thấp… Chính vì thế, đây cũng là đặc điểm mà nhiều DN Việt Nam cho rằng: phân hóa thị trường lớn khiến nhu cầu hàng hóa bị xé lẻ, không thống nhất và rất khó để xâm nhập thị trường, điều này khác với các thị trường Mỹ và EU, khi thu nhập đồng đều và sức mua tương đương nhau.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cơ cấu hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam khá tương đồng với các hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nhiều nước. Chính vì vậy, nhu cầu trong nước của họ đã được đáp ứng, nếu cạnh tranh tại thị trường này thì hàng Việt phải có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, đa số mặt hàng của Việt Nam yếu thế so với sản phẩm cùng loại của các nước ở khía cạnh: giá cả cao và chất lượng thấp hơn.

Bên cạnh đó, theo đại diện một vài doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: thị trường ASEAN rộng lớn nhưng bị xé lẻ theo từng nước và tiêu dùng thị trường này không cao như kỳ vọng. Về lý thuyết, xuất khẩu sang Mỹ, EU doanh nghiệp chịu chi phí lớn từ khoảng cách đường vận chuyển dài. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết DN Việt Nam bán sản phẩm từ xưởng, các khâu còn lại do nhà nhập khẩu chịu. Trong trường hợp nếu có tính yếu tố chi phí vào đơn hàng thì hầu hết xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang các nước này là đơn hàng lớn, giá cao và điều đặc biệt là chi phí vận chuyển không ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó xuất khẩu sang ASEAN, dù quãng đường ngắn nhưng đơn hàng nhỏ, giá thấp nên lợi nhuận không cao.
 

Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo