Việc can thiệp bằng điện thoại, thư tay ngày một tăng mà ít ai dám nói ra.
Vài ngày nay,, các báo đồng loạt đăng tin Bộ trưởng Bộ Công an có điện chỉ đạo cấp dưới không được can thiệp dưới mọi hình thức vào việc xử lý các trường hợp thân nhân, bạn bè vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật. Nhiều người nghe thông tin này thấy mừng, một số tỏ ra băn khoăn. Rồi chuyện này còn vương vấn trong suy nghĩ của nhiều người.
Hàng ngày ra đường ta luôn nhìn thấy các anh (và gần đây là các cô) cảnh sát giao thông mũ vàng, áo quần vàng, nai nịt gọn ghẽ, đẹp, nghiêm ngắn, còi đeo trước ngực, nổi bật giữa dòng người xe đông đúc hối hả lại qua. Trước đèn đỏ hoặc là trước cây gậy chỉ huy trong tay các anh các cô, dòng người xe ăm ắp nhất loạt tuân thủ. Khi chiếc gậy chỉ huy vung lên như múa, cả dòng người xe đông nghẹt kia mới được phép ào lên, còn khi gậy chỉ huy chưa phất thì tất cả đều răm rắp dừng ở trước vạch sơn.
Ấy vậy mà khi có mấy thanh niên đầu cua (và đương nhiên không mũ bảo hiểm) rồ ga vượt đèn đỏ bị bắt lại thì việc xử lý lại thật không ổn. Ngay bên hè đường, là nhóm thanh niên này xúm lại vây quanh anh cảnh sát giao thông, tranh nhau nói, tay vung loạn xạ. Rồi có thanh niên rút điện thoại ra gọi đi đâu đó. Rồi lạ là thanh niên này lại trao điện thoại cho cảnh sát. Mà cảnh sát cũng lại nhận điện thoại, nghe, thay đổi thái độ. Và rồi ngay sau đó, tha bổng cho nhóm vi phạm vượt đèn đỏ kia. Những hình ảnh như thế và tương tự thế xảy ra trên đường, hàng ngày không phải ít. Nó khiến cho hình ảnh của chiến sĩ cảnh sát giao thông – đại diện cho pháp luật nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ bị ảnh hưởng xấu.
Thế nhưng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hình ảnh xấu này chính là sự can thiệp của ai đó qua điện thoại. Ai đó chính là cấp trên, người quen của cấp trên, là người thân quen của người thân quen, của đối tác, bạn bè …Chính các chiến sĩ cảnh sát này cũng nói rằng thật ra xử lý tình huống này cũng rất khó. Làm nhiệm vụ trên đường mà không nghe điện thoại kiểu đó, lúc về sẽ bị người gọi hay người liên quan trách cứ, mà đã nghe đương nhiên phải giải quyết theo lệnh điện thoại, không giải quyết thì sau đó việc cũng được người khác giải quyết như thế, còn mình thì mang tội với “sếp”. Thế là tình trạng can thiệp như thế, coi thường pháp luật cứ theo đà nể nang, ngại ngần mà ngày một gia tăng mà ít ai dám nói ra. Ngoài chuyện làm giảm hiệu quả thực hiện pháp luật, những hành động can thiệp như thế còn tạo cơ hội cho những kẻ xấu đi lừa gạt người khác. Gần đây xuất hiện khá nhiều kẻ xấu mạo danh con cháu của các vị lãnh đạo cao cấp, của một số bộ ngành trong đó có ngành công an để đi lừa các địa phương, các cơ sở để trục lợi. Thực tế nhiều địa phương, cơ sở và cá nhân đã bị lừa khá nhiều tiền bạc, vật chất.
Nhiều người cũng thấy rằng những “lệnh điện thoại, lệnh mồm, lệnh giấy viết tay” và các lệnh tương tự thế để can thiệp làm nhẹ lỗi hay tha bổng cho người thân khi các cán bộ cấp dưới xử lý các vi phạm xảy ra khá nhiều trong ngành công an. Nhiều tới mức bây giờ Bộ trưởng phải lệnh cấm. Trước đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng đã có chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức ngành giao thông lợi dụng bất kỳ mối quan hệ nào để can thiệp vào việc xử phạt của các lực lượng chức năng đối với vi phạm lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Lần này, chỉ đạo của Bộ trưởng Công an rất rõ và cụ thể, gửi tới các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp không can thiệp việc xử lý các trường hợp vi phạm của thân nhân, bạn bè vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật dưới mọi hình thức.
Điện chỉ đạo thì đã rõ thế. Nhưng liệu chỉ đạo này sẽ được thực thi ra sao trong thực tế. Theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý. Cũng theo quy định của pháp luật, công chức nhà nước phải hoàn thành nghiêm nhiệm vụ của mình ở từng chức danh và vị trí được giao. Những quy định này đã được ban hành và có hiệu lực từ rất lâu, là những quy định cơ bản góp phần tạo nên bộ máy nhà nước và việc quản lý nhà nước. Vậy mà đến nay nó vẫn bị vi phạm một cách ngang nhiên và tự nhiên nữa. Bằng chứng đơn giản nhất là các “sếp” vẫn gọi điện, thư tay để can thiêp, cấp dưới vẫn chấp hành các lệnh chen ngang này, để rồi các hành vi vi phạm vẫn được bỏ qua.
Vì thế, băn khoăn của rất nhiều người là một chỉ đạo mới nhưng nội dung lại chỉ là những quy định đang có mà chưa được thực thi nghiêm, liệu có mang lại hiệu quả mong muốn hay không. Vừa mới đây, câu chuyện một nhà doanh nghiệp quá uất ức do luôn luôn bị cảnh sát giao thông gọi đến thanh toán tiền ăn nhậu của cảnh sát đã làm đơn tố giác, là một lời cảnh báo nghiêm trọng nữa đến tư cách của những người được giao trách nhiệm thay mặt chính quyền thực hiện các quy định của pháp luật vào thực tế cuộc sống.
Thế nhưng dù sao có nhiều người cũng thấy rằng lần này công an đã tự ra lệnh cho chính mình. Đấy chính là một hành động tự chỉnh đốn. Đó là điều đáng mừng.
Sống và làm việc theo pháp luật. Đó là yêu cầu đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người được giao nhiệm vụ trong bộ máy công quyền./.
Lý Thái Phương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam