Quốc tế

Viên thuốc ngủ của Ảrập Saudi

Có người so sánh, việc giá dầu hơn 100 đô la Mỹ/thùng trong những năm qua như một viên thuốc ngủ khiến Ảrập Saudi không phải lo lắng về tương lai, kể cả khi giá dầu giảm mạnh thời gian qua. Liệu giấc ngủ này sẽ kéo dài bao lâu?

Một tài xế đổ đầy bình xăng xe hơi chỉ với 7 đô la Mỹ tại một trạm xăng ở Riyadh. Ảnh: Washington Post

 

 Bảy năm nữa vẫn chịu được?

Ahmed al-Ghaith lái chiếc xe hiệu Dodge Durango của mình vào một trạm xăng ở trung tâm Riyadh (thủ đô của Ảrập Saudi) những ngày cuối tháng 1 vừa qua. Ông kêu đổ đầy bình và chỉ phải trả khoảng 12 đô la Mỹ. Tính ra, xăng được bán với giá 45 xu Mỹ mỗi gallon (tạm tính tương đương 10.000 đồng mua được 3,8 lít).

Khi giá dầu thế giới giảm mạnh từ mức hơn 100 đô la Mỹ/thùng cách đây sáu tháng còn 50 đô la Mỹ/thùng như hiện nay, bạn có thể nghĩ rằng, người dân Ảrập Saudi sẽ choáng? Bởi Ảrập Saudi là quốc gia gắn liền với dầu, nơi mà 90% doanh thu của chính phủ có được từ các lỗ khoan dầu mỏ.

Nhưng, tại một trạm xăng đông đúc ở trung tâm thành phố một ngày gần đây, không hề thấy có sự lo lắng nào trong số các tài xế của đủ loại dòng xe, từ Audi, Cadillac, Mercedes-Benz, Dodges và Chevys... đang bơm xăng.

“Cá nhân tôi thấy chả bị ảnh hưởng chút nào”, ông Ghaith, 49 tuổi, nhân viên một cửa hàng sách, nói. Ông cho biết mỗi tháng phải chi 40 đô la Mỹ cho chiếc xe đa dụng Dodge Durango do Mỹ sản xuất. “Giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến chính phủ trong tương lai. Có thể họ sẽ phải cắt giảm các dự án lớn. Nhưng với tôi thì không có vấn đề gì”, ông nhấn mạnh.

Với người dân Ảrập Saudi, phản ứng chung đối với sự sụt giảm thê thảm của giá dầu xuống còn một nửa, chỉ là một cái nhún vai.

Hãy nhớ lại trong những năm qua, tại Mỹ để đổ đầy bình xăng phải hết trung bình 60 đô la Mỹ, khi giá xăng lên tới gần 4 đô la Mỹ một gallon (khoảng 3,7 lít). Lúc đó, khi ví tiền của nhiều người bị hao đi thì ví của người Ảrập Saudi lại dày lên. Vương quốc này có tới hơn 750 tỉ đô la dự trữ tiền mặt, quá thừa thãi để giữ niềm tin và ngăn chặn sự hoảng loạn trên thị trường dầu mỏ.

“Chính phủ có khả năng chịu được giá dầu thấp”, Tariq Al-Sudairy, Giám đốc điều hành của một ngân hàng đầu tư tư nhân tên là Jadwa ở Riyadh, nói. “Câu hỏi đặt ra là giai đoạn giá dầu thấp sẽ kéo dài bao lâu, và nó có đủ dài để buộc chính phủ phải đưa ra các quyết định cứng rắn hay không?”, ông nhận định.

Theo Sudairy và các nhà phân tích khác, những “quyết định cứng rắn” đó chủ yếu liên quan đến các chương trình lớn về cơ sở hạ tầng. Dưới thời cai trị của nhà vua Abdullah, người vừa qua đời tháng trước, Ảrập Saudi đã chi hàng tỉ đô la vào đường bộ, đường sắt, các trường đại học, bệnh viện, sân bay, cảng biển, nhà ở, thành phố hoàn toàn mới và các dự án khác được tài trợ gần như hoàn toàn bằng nguồn thu từ dầu.

Những ngày này ở Riyadh, tình hình giao thông vốn đã bị tắc nghẽn lại trở nên tồi tệ hơn bởi công trình xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố. Dự án bề bộn, ngổn ngang và đồ sộ này liên quan tới hàng ngàn nhà thầu, đang làm việc đằng sau những tấm hàng rào xây dựng sơn hai màu đỏ - trắng, được dựng lên khắp mọi nơi.

Các quan chức ngân hàng đầu tư Jadwa cho biết chính phủ đã tăng chi tiêu đầu tư trung bình 25% mỗi năm trong những năm gần đây. Theo tính toán của công ty, chính phủ có thể không cần phải cắt giảm kế hoạch của mình trong vòng 7-8 năm nữa, chỉ đơn giản bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, tương đương 100% GDP, để trang trải thâm hụt ngân sách. Jadwa cũng cho biết, tỷ lệ vay nợ của chính phủ là không đáng kể và họ có thể đi vay nếu muốn.

Theo nhận định của ông Sudairy, nhiều khả năng chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ giá dầu trong khoảng 18 tháng và nếu giá không phục hồi, họ sẽ cân nhắc lại chiến lược.

Cú đấm thức tỉnh

Tuy nhiên, ông Sudairy cho rằng, khoản tiền mặt của chính phủ đã che đậy một vấn đề cơ bản hơn. Đó là mặc dù Ảrập Saudi đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của họ trong những năm gần đây, song nước này vẫn dựa quá nhiều vào dầu mỏ. Ngay cả ngành công nghiệp tư nhân đang bùng nổ trong các lĩnh vực như giao thông vận tải và xây dựng cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu chính phủ, mà xuất phát chủ yếu cũng từ dầu.

“Chúng ta đã quá đê mê khi dầu lên tới 100 đô la Mỹ/thùng”, Fahad M. Alturki, kinh tế trưởng của Jadwa, nói.

“Đó là một viên thuốc ngủ cho phép chúng ta không phải lo lắng về dài hạn. Nhưng khi nào chúng ta mới phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu mỏ?”, ông đặt câu hỏi

Abdulrahman al-Rashed, một nhà báo có tiếng ở Saudi, đã viết gần đây rằng sự sụt giảm giá dầu có thể là một “cú đấm” để thức tỉnh các quan chức Ảrập Saudi cần phải tập trung vào việc đa dạng hóa nền kinh tế. Hiện hầu hết người dân đều làm trong các công ty nhà nước.

“Giá trị của tiền là gì nếu nó không được dùng cho việc xây dựng một xã hội có khả năng đứng trên đôi chân của mình, khi ngày mai không có dầu hoặc doanh thu từ dầu giảm sút?”, Rashed viết trên tờ Asharq al-Awsat trụ sở tại London.

Các nhà kinh tế cho rằng, nếu Chính phủ Ảrập Saudi thực sự lo lắng về giá dầu giảm, họ có thể sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy giá dầu tăng. Ảrập Saudi, nhà sản xuất lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), nhóm cung cấp 40% lượng dầu của thế giới, đã chống lại những lời kêu gọi cắt giảm sản xuất để có thể đẩy giá dầu tăng cao.

Các quan chức Saudi dường như đã tính toán rằng, việc giữ ổn định sản xuất sẽ giúp họ duy trì thị phần và giữ chân các khách hàng lớn, bao gồm cả Trung Quốc. Các nhà phân tích trong nước cho biết, giá dầu thấp sẽ là tin xấu với các đối thủ cạnh tranh mà không có lượng dự trữ tiền mặt lớn như của Ảrập Saudi, đặc biệt là đối thủ chính của khu vực - Iran, và các nhà sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ.

Để chiết xuất một thùng dầu từ mỏ đá phiến ở Texas hay Bắc Dakota, chi phí sẽ đắt hơn hiều lần so với việc hút nó ra khỏi những mỏ trữ lượng lớn dưới sa mạc Ảrập. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, giá dầu thấp có thể khiến một số nhà sản xuất dầu từ đá phiến phá sản.

Ảrập Saudi chi hàng chục tỉ đô la mỗi năm để trợ giá xăng dầu, điện, gạo và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Hành vi hỗ trợ của chính phủ giống như một tấm đệm giữa người dân và sự biến động giá dầu thế giới.

“Chả có ý nghĩa đối với tôi, ngoại trừ các khoản đầu tư chứng khoán của tôi”, ông Fahad al-Harbi, 40 tuổi, một nhân viên lái xe cho chính phủ, đang ngồi trong chiếc xe Mercedes đen bóng, nói. Ông vừa trả 14 đô la Mỹ để đổ đầy bình chiếc xe của mình.

Chỉ số chứng khoán Riyadh Tadawul đã đạt mức cao kỷ lục vào mùa thu vừa qua, nhưng đã giảm 4% khi kết thúc năm, chủ yếu là do nhà đầu tư hốt hoảng lo ngại giá dầu giảm, ông Sudairy cho biết.

Suhail al-Tammimi, 32 tuổi, một giáo viên, đánh xe vào trạm xăng cùng với vợ và các con. Ông di chuyển khoảng 60 dặm mỗi ngày, và chỉ mất 7 đô la Mỹ là đổ đầy bình chiếc xe nhỏ do Trung Quốc sản xuất của mình.

“Tôi lo lắng về lâu dài”, ông nói. “Đất nước chúng ta đang quá phụ thuộc vào dầu mỏ. Điều gì sẽ xảy ra với chúng ta trong mười năm tới?”

TBKTSG
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo