Việt Nam cam kết cắt giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu: Các chính phủ trên thế giới đã cùng nhau xác nhận rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là do con người gây ra, ngày càng trở nên phức tạp và không thể đoán trước. Nếu không có những hành động kịp thời, tình trạng này sẽ tiến đến kịch bản xấu nhất.
"Nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ, băng tan và nước biển dâng, những thảm họa do BĐKH gây ra, sẽ đe dọa tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo", Phó Thủ tướng nói.
"Không may là thế giới chưa lường hết những hệ quả của BĐKH, khiến tính mạng và tài sản của người dân không chỉ ở những nước nghèo mà cả ở những nước giàu đều bị ảnh hưởng".
Ông Phạm Bình Minh chỉ ra VN là một trong số những nước có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, đặc biệt do nước biển dâng: "VN không phải là nước phát thải nhiều, nhưng nếu mực nước biển dâng thêm 1m, 40% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước, sẽ bị nhấn chìm".
Phó Thủ tướng cho biết VN thể hiện ý chí chính trị cao, cam kết mạnh mẽ và kế thừa kết quả của những cuộc đàm phán quốc tế ở nhiều cấp độ để cùng thế giới nỗ lực đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2 độ C.
Theo ông Phạm Bình Minh, một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới để chống BĐKH khí hậu phải bao quát tất cả các khía cạnh như thích nghi, giảm nhẹ, tài chính, công nghệ, năng lực và trang thiết bị, cũng như sự minh bạch thông tin về mức đóng góp của các quốc gia.
"Mức đóng góp của các quốc gia phải phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mỗi nước, đặc biệt chú ý đến nhu cầu phát triển của các nước đang phát triển cũng như trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc các nước phát triển phải có sự hỗ trợ thích đáng về tài chính cho các nước đang phát triển trong giảm nhẹ tác hại của khí nhà kính.
Nhân diễn đàn này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh thông báo mục tiêu của VN là giảm 8-10% lượng khí thải so với năm 2010, mỗi năm giảm mức tiêu thụ năng lượng 1-1,5%/GDP, cũng như giảm 10-20% lượng khí nhà kính thải ra từ các hoạt động tiêu thụ năng lượng...
Hứa là để thực hiện
Cũng tại hội nghị quan trọng lần đầu tiên tổ chức do sáng kiến của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, nhiều quốc gia đã cam kết cắt giảm khí thải và cải thiện môi trường mạnh mẽ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu dài, trong đó nhận định các nước lớn phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đối phó với BĐKH.
Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Manuel Barroso nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết cắt giảm 80% - 95% khí thải vào năm 2050".
EU cũng sẽ cung cấp 14 tỷ euro cho các đối tác bên ngoài EU trong 7 năm tới để tăng cường các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cam kết 1 tỷ USD cho quỹ Khí hậu xanh trong những năm tới.
Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định: " Chúng tôi đang trên đường cắt giảm 80% khí thải vào năm 2050".
Từ châu Á, Phó Thủ tướng Trung Quốc Zhang Gaoli nhắc lại mục tiêu cắt giảm nồng độ các-bon 40 - 45% vào năm 2020 so với mức của năm 2005.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thì đưa ra con số 100 triệu USD đóng góp cho quỹ Khí hậu xanh.
Tổng cộng, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố ủng hộ khoảng 200 tỷ USD đến cuối năm 2015 cho công tác đối phó với BĐKH trên toàn thế giới.
Tuy những tuyên bố và cam kết tại hội nghị này không có tính chính thức và ràng buộc, nhưng như Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kỳ vọng, đây là những lời hứa mà công chúng thế giới và từng quốc gia sẽ ghi nhận và thúc đẩy các nhà lãnh đạo nghiêm túc thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo